Ngày 6/10, bất chấp dịch Covid-19, hàng ngàn người Indonesia bao gồm công nhân, sinh viên... đã đồng loạt tổ chức biểu tình phản đối dự luật việc làm gây tranh cãi được Quốc hội thông qua trong phiên toàn thể đầu tuần qua.
Hoạt động biểu tình được diễn ra đồng thời ở các thành phố lớn của Indonesia như Bandung, Banten, Tangerang, Bogor, Bekasi, Solo và Surabaya. Hoạt động biểu tình gây tê liệt giao thông ở nhiều nơi, làm hư hỏng một số công trình công cộng.
Cảnh sát cố gắng giải tán đám đông biểu tình tại Banten. Ảnh: CNN Indonesia.
Tại tòa nhà Hạ viện ở tỉnh miền Tây Java, hoạt động biểu tình đã biến thành bạo loạt khiến cảnh sát phải dùng vòi rồng để “hạ nhiệt” đám đông. Tại thành phố Banten, một cuộc đụng độ đã xảy ra, người biểu tình ném đá và gỗ làm bị thương cảnh sát, quân đội trong khi cảnh sát liên tục bắn hơi cay và xịt nước vào đám đông biểu tình. Ít nhất 5 người bị thương và nhiều người bị bắt trong cuộc biểu tình biến thành bạo loạn này.
Người biểu tình phản đối dự luật tạo việc làm gây tranh cãi của Tổng thống Joko Widodo vì cho rằng dự luật này gây bất lợi cho người lao động, cắt giảm chi phí cho người lao động, trong khi các nhà môi trường lo ngại quy định mới sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường.
Liên đoàn Lao động Indonesia cho biết sẽ có khoảng 2 triệu công nhân từ 10.000 công ty ở 25 tỉnh sẽ thực hiện các cuộc đình công toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 6-10/8/2020. Bất chấp tuyên bố của tầng lớp lao động, trong phiên họp ngày thứ hai, Ủy ban lập pháp và các bộ trưởng chính phủ Indonesia đã thông qua phiên bản mới nhất của dự luật, chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu. Dự luật việc làm hay còn gọi là “omnibus” được ban hành nhằm đẩy nhanh cải cách kinh tế, môi trường đầu tư của đất nước và hỗ trợ giảm tình trạng quan liêu. Các quan chức chính phủ nhấn mạnh dự luật là cần thiết để thu hút đầu tư và tạo việc làm./.
Theo Hương Trà/VOV-Jakarta