Những năm qua, du lịch biển Quy Nhơn (Bình Định) được biết đến như một điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Có được thành công ấy là một phần đóng góp thầm lặng của những người công nhân, vì họ phải “đi sớm về muộn” để thu dọn rác thải, vệ sinh bãi biển; cũng như trông coi và cứu hộ đuối nước trên biển. Tất cả công việc họ làm đều chung một mục đích, cố gắng làm sao cho bãi biển Quy Nhơn ngày càng đẹp hơn, môi trường du lịch thân thiện hơn để níu chân du khách.
Những người thầm lặng làm đẹp môi trường du lịch biển Quy Nhơn
Thầm lặng làm biển đẹp hơn
Sau những ngày ấp thấp nhiệt đới, mưa kéo dài, sóng lớn cũng là lúc khối công việc của công nhân vệ sinh dọn rác trên bãi biển Quy Nhơn ngày một tăng lên. Vì mùa này, ngoài rác thải sinh hoạt, bịch ni lông… còn vô số cây lục bình trôi dạt từ thượng nguồn xuống. Chị Trương Thị Thu Yên, một trong những nhân viên có kinh nghiệm làm lâu năm cho biết: Vào mùa mưa, đặc biệt là sau bão và áp thấp, lượng rác thải tăng đột biến bởi cây lục bình trôi từ thượng nguồn về. Lục bình bị sóng cuốn vào bờ, nếu không dọn sạch kịp thời dễ bốc mùi hôi thối, gây khó chịu cho người dân và du khách khi tắm biển buổi sáng. Đấy là mùa mưa, còn mùa gió nồm thì rác thải chủ yếu là rác sinh hoạt trôi dạt, tấp vào bờ biển.
Chị Hồ Thị Kim Chi, Đội trưởng Đội Môi trường số 2 chia sẻ: Gà gáy dứt canh ba, là anh em trong đội đã xuống biển với một ngày làm việc mới. Trong đội có 10 người, công việc được bắt đầu từ 3h - 7h sáng và được chia ra từng tổ nhỏ để làm. Theo phân công, đội chúng tôi sẽ dọn vệ sinh trên bãi biển đoạn từ Sbule đến Mũi Tấn và ngược lên đoạn Sbule sẽ có đội khác làm. Để dọn vệ sinh, các công nhân chúng tôi phải đội đèn để nhặt rác, vì thời điểm này trời chưa sáng. Dọn rác sớm, cũng đồng nghĩa sẽ tạo cảnh quan, môi trường sạch sẽ cho bãi biển đẹp hơn khi người dân và du khách đi tắm biển vào sáng sớm.
Nhiều năm qua, bãi biển Quy Nhơn thân thiện không chỉ đẹp vì sạch rác thải, mà còn đẹp bởi những hình ảnh của Đội cứu hộ bãi biển. Ngoài nhiệm vụ hướng dẫn, yêu cầu khách tham quan, người dân tắm biển ở những khu vực được cho phép và không tắm tại những khu vực nguy hiểm, không an toàn, thì những nhân viên trong đội cứu hộ như một “đại sứ” tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thực hiện giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường trên bãi biển.
Trên bãi biển Quy Nhơn luôn có sự túc trực của lực lượng cứu hộ.
Ông Đỗ Quốc Anh, Đội trưởng Đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn (Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn) cho biết: Đội hiện có 18 thành viên, làm việc tại 8 trạm (từ khu vực bãi biển trước khách sạn Hương Việt đến công viên gần đường Chương Dương), với thời gian trực 2 ca: Sáng từ 4.30h - 8.30h và chiều từ 3h - 6.30h. Từ năm 2019 đến nay, đội đã cứu hộ thành công 68 trường hợp người dân, du khách bị đuối nước. Thời gian vào mùa cao điểm du lịch, du khách tắm biển rất đông, đội cứu hộ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
“Cái khó hiện nay là khó quản lý về vị trí tắm trên bãi biển. Mặc dù đội đã bố trí dây cứu dài gần 3 km, độ an toàn được đảm bảo gần 100 mét, tính từ bờ ra dây; nhưng biển Quy Nhơn ở một số đoạn như khu vực Hoàng Gia, Sbule… có luồng xoáy mà chỉ gắn một biển cấm, cho nên rất dễ xảy ra đuối nước. Trong trường hợp, nếu trong khu vực quản lý của đội để xảy tình trạng đuối nước thì nhân viên tại vị trí được giao trông coi cứu hộ sẽ không nhận được lương tháng đó”, ông Anh thổ lộ.
Sạch đẹp, an toàn và thân thiện hơn trong mắt du khách
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn, trong những năm qua, bằng mọi cách khắc phục khó khăn, đơn vị đã từng bước nâng cao năng lực về nhân lực, phương tiện, thiết bị trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, góp phần đem lại hình ảnh thành phố Quy Nhơn xanh - sạch - đẹp, đảm bảo mỹ quan, tạo thiện cảm cho du khách, thu hút du lịch. Trong đó, chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chuyên dụng, cơ giới hóa, vì thế mỹ quan và môi trường bãi biển được cải thiện đáng kể.
Mỗi năm, Đội cứu hộ lại đem dây - phao cảnh báo lên vệ sinh từ 3- 4 lần.
Ông Đỗ Nên Danh - Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn cho biết: Trong công tác vệ sinh môi trường bãi biển, hiện nay Công ty đang tăng cường chỉ đạo các đội vệ sinh, thu gom bằng 2 hình thức là bố trí công nhân thu gom hàng ngày (2 lần/ngày) và xe sàng cát biển, đảm bảo không tồn đọng rác. Giờ đây, tình trạng vệ sinh môi trường khu vực bãi biển Quy Nhơn được cải thiện đáng kể, đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch biển trên địa bàn thành phố. Riêng công tác cứu hộ bãi biển Quy Nhơn, Công ty đặc biệt chú trọng, nhằm tạo sự an tâm cho người dân địa phương và du khách, các đội luôn có mặt mọi tình huống để kịp thời cứu hộ, cứu nạn các trường hợp bị đuối nước.
Đầu năm nay, TP. Quy Nhơn được công nhận “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Để có được thành quả ấy, không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng của những công nhân vệ sinh môi trường và đội cứu bãi biển. Và tin rằng, đề án “Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh này phê duyệt trong năm 2020, sẽ một lần nữa tiếp thêm động lực cho những người làm công việc thầm lặng, góp phần làm cho bãi biển Quy Nhơn ngày càng đẹp trong mắt người dân và du khách.
Theo THUẬN NINH/ baovanhoa.vn