Qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Ủy ban Biên giới quốc gia đã có nhiều đóng góp quan trọng, trong đó nổi bật là việc chủ trì đàm phán, hoạch định đường biên giới trên đất liền dài hơn 5000 km với Trung Quốc, Lào, Campuchia bằng một hệ thống văn bản pháp lý quốc tế, giải quyết vùng biển chồng lấn giữa ta với các quốc gia láng giềng cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
|
Hội thảo kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban Biên giới quốc gia |
Ngày 16/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ủy ban Biên giới quốc gia (6/10/1975 - 6/10/2020). Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ủy ban Biên giới quốc gia qua các thời kỳ; Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Biên giới quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia điểm lại quá trình 45 năm xây dựng và trưởng thành cũng như đóng góp của Ủy ban Biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đồng chí Lê Hoài Trung, quyết định thành lập Ban Biên giới của Hội đồng Chính phủ năm 1975 thể hiện tầm vóc và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao ngày nay.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp biên giới quốc gia cho các cá nhân. |
Qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Ủy ban Biên giới quốc gia đã có nhiều đóng góp quan trọng, trong đó nổi bật là việc chủ trì đàm phán, hoạch định đường biên giới trên đất liền dài hơn 5000 km với Trung Quốc, Lào, Campuchia bằng một hệ thống văn bản pháp lý quốc tế, giải quyết vùng biển chồng lấn giữa ta với các quốc gia láng giềng cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Các thành tựu nêu trên của Ủy ban Biên giới quốc gia không chỉ góp phần bảo vệ, xác định cương vực, phên dậu quốc gia mà còn góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới trên đất liền, trên biển cũng như thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế, thực hiện các quyền và lợi ích nhiều mặt của ta trên biển.
Với những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử, Ủy ban Biên giới quốc gia đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều bằng khen các loại.
|
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Bình Minh đã biểu dương những nỗ lực, đóng góp của Ủy ban Biên giới quốc gia trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nói riêng, công tác đối ngoại nói chung, chia sẻ những khó khăn, vất vả mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban Biên giới quốc gia phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đưa đến nhiều thách thức lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, Ủy ban Biên giới quốc gia tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu của 45 năm qua, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục triển khai hiệu quả các mặt công tác về biên giới, lãnh thổ, thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn đọng với các nước liên quan bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Ủy ban Biên giới quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao hiệu quả, hiện đại hóa công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đẩy mạnh phát triển tại các khu vực biên giới; đồng thời, quan tâm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng các yêu cầu của công tác biên giới, lãnh thổ trong tình hình mới./.
Theo dangcongsan.vn