Cập nhật: 30/10/2020 15:47:00
Xem cỡ chữ

Vắc xin Covid-19 "made in Vietnam", mới đây, đã được tiêm thử nghiệm trên khỉ sạch. Đây là giai đoạn quan trọng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả sinh miễn dịch của vắc xin.

Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế là 1 trong 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19.

Theo chia sẻ của TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech, đơn vị này đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên khỉ từ ngày 27/10, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đua tìm “lời giải” cho đại dịch Covid-19.

Thử nghiệm vắc xin trên khỉ là một bước của giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng. Những con khỉ được thử nghiệm là loài khỉ vàng được nuôi tại Trại chăn nuôi khỉ đặt trên đảo Rều, Quảng Ninh.

Vắc xin Covid-19 được thử nghiệm trên loài khỉ vàng ở đảo Rều, Quảng Ninh

Theo TS Đạt, khỉ được tuyển chọn để thử nghiệm vắc xin Covid-19 là khỉ sạch. Khỉ phải được bắt từ đàn tự nhiên ở trên đảo, ở độ tuổi từ 3-5 tuổi và có cân nặng khoảng 3 kg. Khỉ sau khi bắt sẽ được nuôi nhốt trong lồng một thời gian và theo dõi sức khỏe. Khi đã đảm bảo không mắc bệnh, khỉ mới được dùng để tiêm thử nghiệm vắc xin.

Theo kế hoạch, sẽ có 12 con khỉ sạch được lựa chọn để tham gia vào 2 đợt thử nghiệm vắc xin Covid-19. Trong mỗi đợt thử nghiệm, đàn khỉ lại được chia làm 2 nhóm: Nhóm được tiêm vắc xin và nhóm đối chứng (không được tiêm vắc xin).

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech

TS Đạt cho hay: “Vắc xin Covid-19 được sử dụng để thử nghiệm tiền lâm sàng trên khỉ sẽ có mô hình gần giống với loại sau này chúng tôi dự định tiêm cho người. Vắc xin gồm 2 mũi tiêm, mũi thứ nhất cách mũi thứ hai 18-21 ngày”.

Sau khi được tiêm vắc xin, khỉ sẽ được nuôi tại một khu đảo riêng biệt và theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Khoảng 1 tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ hai, các chuyên gia sẽ tiến hành đánh giá đáp ứng miễn dịch trên nhóm khỉ được tiêm. Mục đích là để đánh giá hiệu quả miễn dịch của nhóm được tiêm vắc xin so với nhóm không được tiêm.

TS Đạt cũng cho biết thêm, thử nghiệm vắc xin trên khỉ chỉ là một phần của thử nghiệm tiền lâm sàng. Đơn vị này cũng sẽ tiến hành thử nghiệm song song trên các động vật khác, để thu thập đủ các dữ liệu.

Vabiotech đã tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên chuột

“Cần phụ thuộc vào rất nhiều số liệu hồ sơ để có đủ minh chứng về tính an toàn, hiệu quả bảo vệ, tính sinh miễn dịch của vắc xin thì khi đó mới thử nghiệm trên người được”, TS Đạt nhấn mạnh.

Đại diện Vabiotech cho biết, nếu kết quả thử nghiệm trên khỉ về tính sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ thành công thì khoảng 4 tháng nữa, các chuyên gia sẽ trình lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế.

Hiện nay, tại Việt Nam có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin: Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế; Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1; Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế; Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

 Bất kỳ loại vắc xin nào trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi trong cộng đồng đều phải trải qua quy trình chuẩn gồm 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vắc xin. Giai đoạn này được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm.

- Giai đoạn 2: Đánh giá tiền lâm sàng trên động vật.

- Giai đoạn 3: Đánh giá lâm sàng qua 3 giai đoạn trên người ở các quy mô khác nhau.

- Giai đoạn 4 và 5: Cấp phép lưu hành vắc xin và theo dõi sau cấp phép. Sau khi vắc xin được cấp phép sử dụng trên người, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để giảm bảo rằng, vắc xin đủ an toàn khi sử dụng trên người.

Theo  Minh Nhật/dantri.com.vn