Cập nhật: 04/11/2020 10:38:00
Xem cỡ chữ

Đối với các tài sản đứng tên ông Trần Bắc Hà, Tòa quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả của các Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với BIDV.

Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo trong vụ án xảy ra tại BIDV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 2/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Bản án sơ thẩm đã xác định rõ trách nhiệm dân sự, biện pháp bảo đảm việc bồi thường của các bị cáo và các bên liên quan.

Về trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) trong vụ án, Tòa xác định, ông Hà có trách nhiệm cao nhất trong việc cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà khi công ty này chưa đáp ứng được các điều kiện cho vay.

Ông Hà đã lợi dụng vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV để đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho dự án; chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ thẩm định chung và các bộ phận khác của BIDV Hội sở phải đề xuất cho Công ty Bình Hà vay.

Ông Trần Bắc Hà cũng dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt các thành viên khác trong Hội đồng thành viên của BIDV phải duyệt, cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà để BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phải ký hợp đồng cho Công ty Bình Hà vay; nhiều lần chỉ đạo nới lỏng các điều kiện cho vay đối với Công ty Bình Hà; ký thông báo cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà.

Trong quá trình giải ngân ông Trần Bắc Hà còn nhiều lần gây sức ép để buộc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phải tiếp tục giải ngân ngay cả khi Công ty Bình Hà có vi phạm các chính sách cho vay.

Đối với việc cấp hạn mức tín dụng năm 2011 và phát hành L/C theo món cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và du lịch Trung Dũng, ông Trần Bắc Hà đã dùng ảnh hưởng của mình buộc BIDV chi nhánh Hà Thành phải đề xuất cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trung Dũng khi công ty không đủ điều kiện; ký các thông báo chấp thuận phê duyệt cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng năm 2011 cho Công ty Trung Dũng; gây sức ép để buộc BIDV chi nhánh Hà Thành giải ngân cho Công ty Trung Dũng khi không đáp ứng điều kiện cho vay.

Ông Trần Bắc Hà còn có bút phê chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Thành thực hiện đề xuất phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng trước khi chi nhánh và các ban của Hội sở báo cáo, đề xuất là ngược với quy trình cấp tín dụng theo quy định của BIDV...; gây áp lực cho một số cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành trong việc đề xuất phê duyệt phát hành L/C theo món khi Công ty Trung Dũng không đủ điều kiện tài chính để trả nợ khi đến hạn.

Từ các phân tích trên, Tòa xác định, mặc dù ông Hà đã chết và không bị xem xét trách nhiệm hình sự nữa, nhưng trong vụ án này, ông Hà là người có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả làm thiệt hại cho BIDV. Do đó, đối với các tài sản đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và có liên quan đến quyền lợi của ông Hà, Tòa quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả của các Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với BIDV.

Do ông Hà đã chết nên theo luật, nghĩa vụ hoàn trả giữa Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với những người thừa kế của ông Hà được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đối với các tài sản có liên quan đến bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà), trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử bà Lan đề nghị giải tỏa tài sản kê biên, phong tỏa đứng tên bà.

Tuy nhiên, Tòa xét thấy bà Lan và ông Hà là vợ chồng, các tài sản đứng tên bà Lan bị kê biên, phong tỏa đều là các tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, ông Hà có quyền lợi liên quan đến các tài sản trên. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu của bà Lan và quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa các tài sản đó để đảm bảo thi hành án.

Các tài sản đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà), có liên quan đến quyền lợi của Tùng. Tòa nhận định, do Tùng có hành vi chỉ đạo các cá nhân tại Công ty Bình Hà chiếm đoạt tiền của BIDV, đồng thời dùng số tiền đó để góp vốn vào Công ty Bình Hà, làm vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân. Hậu quả vụ án xảy ra có một phần lớn trách nhiệm của Tùng. Vì vậy, cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả với BIDV.

Về trách nhiệm dân sự trong việc cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, theo số liệu báo cáo của BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh hiện là hơn 1.252 tỷ đồng.

Tòa cho rằng về nguyên tắc, lẽ ra cần buộc Công ty Bình Hà phải có nghĩa vụ hoàn trả cho BIDV số tiền trên và các khoản tiền lãi phát sinh. Tuy nhiên, về số tiền Công ty Bình Hà vay của BIDV Tòa đã làm rõ được hai bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà qua các thời kỳ gồm Trần Anh Quang và Đinh Văn Dũng hiện còn chiếm đoạt của BIDV 21 tỷ đồng. Vì vậy, Tòa buộc các bị cáo Quang, Dũng phải liên đới bồi thường cho BIDV số tiền 21 tỷ đồng các bị cáo đã chiếm đoạt.

Như vậy, Công ty Bình Hà phải hoàn trả cho BIDV 1.231 tỷ đồng và các khoản tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Công ty Bình Hà không thanh toán được các khoản tiền trên thì BIDV được áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và theo các hợp đồng thế chấp đã ký giữa BIDV với Công ty Bình Hà.

Đối với trách nhiệm dân sự giữa BIDV chi nhánh Hà Thành với Công ty Trung Dũng và với các bị cáo Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam), Tòa buộc Công ty Trung Dũng phải hoàn trả hơn 601 tỷ đồng cho BIDV.

Đây là số tiền BIDV đã giải ngân cho Công ty Trung Dũng theo hợp đồng hạn mức tín dụng. Còn hơn 263 tỷ đồng là khoản phát hành L/C theo món mà các bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã chiếm đoạt, Tòa buộc các bị cáo trên phải bồi thường cho BIDV./.

Theo Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/phong-toa-ngan-chan-giao-dich-cac-tai-san-dung-ten-ong-tran-bac-ha/674842.vnp