Cập nhật: 27/11/2020 10:10:00
Xem cỡ chữ

Thủ tướng cũng đề nghị Học viện Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng... để cập nhật vào quá trình truyền thụ cho học viên.

Thủ tướng làm việc với cán bộ, nhân viên Học viện Quốc phòng.

Thủ tướng làm việc với cán bộ, nhân viên Học viện Quốc phòng.

"Học viện Quốc phòng cần tiếp tục nắm vững bản chất của vấn đề có liên quan, đặc biệt lợi ích cốt lõi của từng đối tác để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và những vấn đề quan trọng mà Đảng đã đưa ra” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi làm việc với Học viện, sáng 26/11 tại Hà Nội.

Tiền thân là Học viện quân sự cao cấp được thành lập ngày 21/2/1976, ngày 3/1/1977, Học viện tổ chức lễ khai giảng khóa học đầu tiên và được chọn là Ngày truyền thống của Học viện Quốc phòng. Học viện có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược của Quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước diện Trung ương quản lý; đào tạo sau đại học; nghiên cứu khoa học quân sự và hợp tác quốc tế về đào tạo.

Trải qua gần 44 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; nghiên cứu phát triển khoa học quân sự; thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Thông tin đến các đại biểu, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Quốc phòng về tình hình thế giới và khu vực, phân tích đặc điểm, nhấn mạnh những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm nay, thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian dài để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Ngoài ra, nước ta còn phải chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai mưa lũ, nhất là tại các tỉnh miền Trung.

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục phát triển, đạt được những kết quả quan trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, quân đội đã phát huy và tỏ rõ là lực lượng nòng cốt trong phòng chống, ngăn chặn, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Nhắc lại “câu chuyện” chống dịch Covid-19 tại cuộc họp vào ngày mùng 3 Tết Canh Tý, Thủ tướng đã tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, áp dụng các phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong quân đội đối với dịch bệnh. Chúng ta đã triển khai sớm, trong đó huy động lực lượng quân đội, các doanh trại, các trường quân sự sẵn sàng phương án để làm nơi cách ly tập trung.

Nhiều nơi các chiến sĩ phải ngủ võng, nhường giường, nhường doanh trại để làm nơi cách ly tập trung. Ngay từ đầu, chúng ta xác định chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đến nay, cơ bản thực hiện thành công.

"Chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép, bước đầu đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân và tăng trưởng kinh tế. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất, và trong khu vực ASEAN, chúng ta là nước có mức tăng trưởng dương từ 2,5-3%. Đó là sự cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta” - Thủ tướng nói.

Dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”, Thủ tướng nêu rõ, cùng với việc đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, đời sống người dân được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra (dưới ngưỡng 4%), xuất siêu ở mức kỷ lục, trên 20 tỷ USD.

Một ví dụ được Thủ tướng đưa ra là trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã xây dựng được 60 nhà máy chế biến nông sản (riêng năm nay, đã xây dựng 12 nhà máy chế biến quy mô lớn) để hạn chế tối đa tình trạng “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”. Năng lực sản xuất của chúng ta được nâng lên, phương thức làm việc cũng thay đổi, chuyển sang làm trực tuyến nhiều hơn.

Trong công tác đối ngoại, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ tổ chức thành công tất cả các cuộc họp và có nhiều sáng kiến chia sẻ cùng các nước trong kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì và phát triển tinh thần hợp tác ASEAN. Đặc biệt, chúng ta đã có nhiều sáng tạo, tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với 20 cuộc họp liên quan và hơn 80 văn kiện đã được thông qua, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…

"Có thể nói với 84 văn kiện được thông qua là sự kiện lịch sử trong khối ASEAN,trong đó Hội nghị đã nhất trí thông qua các biện pháp mới về phòng chống dịch Covid-19 như Quỹ y tế ASEAN, kho vật tư y tế dự phòng kế hoạch tổng thể trong phòng chống dịch và sau đại dịch. Hội nghị cũng thông qua con đường đi tới tương lai của ASEAN và Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho cộng đồng ASEAN”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Học viện Quốc phòng

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Học viện Quốc phòng

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, Học viện Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng để cập nhật vào quá trình truyền thụ cho học viên; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức huấn luyện, đào tạo sát với từng đối tượng; đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận, nghệ thuật quân sự nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững./

Theo Văn Hiếu/VOV1- Ngày 27/11/2020