Tư duy mang tầm chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh trong xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng thời kỳ Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng là những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
VOV trân trọng giới thiệu các bài viết gửi tới hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (1/12/1920-1/12/2020). Đây là tham luận của Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu- Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu- Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Đại tướng Lê Đức Anh, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở đâu và trên cương vị nào, Đại tướng cũng luôn đem hết tâm sức và trí tuệ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng rồi dẫn đến tan rã, trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng, sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện tư duy chiến lược nhạy bén, sắc sảo trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương củng cố và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng
Trở lại tình hình, sau một thời gian phát triển, đến những năm 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng, trì trệ. Ở Liên Xô, từ tháng 3/1985, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, M.Gorbachev tiến hành chính sách cải cách kinh tế trải qua ba giai đoạn: “Giai đoạn chiến lược tăng tốc, giai đoạn cải tổ và giai đoạn kinh tế thị trường có điều tiết”, nhưng các kế hoạch này không thành công, nền kinh tế càng thêm khủng hoảng. Bên cạnh đó, những biện pháp cải cách về chính trị lại dẫn tới sự rối loạn trong xã hội. Ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô đã xuất hiện nhiều xu hướng, hình thành nhiều phe nhóm. Các lực lượng ngoài Đảng Cộng sản tổ chức nhiều đảng phái, đưa ra các quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Đồng thời, vấn đề dân tộc ở các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết bấy lâu âm ỉ, thời điểm này bùng phát thành phong trào đòi ly khai. Mở đầu là các Đảng Cộng sản ở ba nước vùng Baltic (Lítva, Látvia, Extônia) tuyên bố tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Tiếp đó, tháng 6-1990, Đại hội đại biểu nhân dân Nga thông qua tuyên bố chủ quyền quốc gia của Nga, những người cộng sản họp Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Như vậy, có thể thấy rõ “mầm mống tan rã” bắt đầu từ nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô.
Bước sang năm 1991, Liên Xô rơi vào khủng hoảng trầm trọng không thể cứu vãn. Cuộc đảo chính bất thành ngày 19/8/1991 của một số Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô thúc đẩy nhanh quá trình tan rã. Nhiều quốc gia thành viên của Liên Xô tuyên bố ly khai. Ngày 25-12-1991, M.Gorbachev tuyên bố từ chức, đồng nghĩa với việc chấm dứt chế độ Xô viết sau 74 năm tồn tại.
Trong khi đó, vào những năm 80 của thế kỷ XX, do sự suy giảm nghiêm trọng về kinh tế và mất ổn định về chính trị, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng rơi vào khủng hoảng. Ở Ba Lan nổ ra cuộc đấu tranh của các lực lượng đối lập, chủ yếu là “Công đoàn đoàn kết”. Cuộc bầu cử hai viện Quốc hội tháng 6/1989 mang lại thắng lợi cho “Công đoàn đoàn kết”. Những người cộng sản thuộc Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan mất quyền lãnh đạo Nhà nước, đến năm 1990, tuyên bố đổi thành Đảng Xã hội Dân chủ.
Ở Cộng hòa Dân chủ Đức, từ tháng 10/1989, hàng nghìn người dân tìm đường sang Cộng hòa Liên bang Đức. Ngày 3/10/1990, nước Đức thống nhất trên cơ sở Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức. Tiếp đó, các chính quyền xã hội chủ nghĩa lần lượt sụp đổ ở Bungari, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani, Liên bang Nam Tư, v.v…
Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, tình hình chính trị và những diễn biến hết sức phức tạp ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX, đã tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam - một đất nước xây dựng theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô tháng 6/1989. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Lê Đức Anh được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Tổng Tham mưu trưởng (12/1986), rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2/1987). Trong bối cảnh tình hình trong nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội; đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Bên cạnh đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước ra sức bôi nhọ, âm mưu lật đổ sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Trước bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, bằng duy chiến lược, sắc sảo Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng, việc quan trọng nhất là phải củng cố, nâng cao bản chất giai cấp công nhân; bằng mọi cách Đảng phải giữ vững quyền lãnh đạo và củng cố quyền lãnh đạo cao nhất đối với đất nước. Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương họp bàn, đề ra nhiều biện pháp xây dựng, củng cố và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cuối năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu hoàn toàn sụp đổ, ở trong nước, các phe nhóm phản động chống phá quyết liệt. Đại tướng Lê Đức Anh đề nghị cần thực hiện hai việc: Thứ nhất, củng cố lại Đảng để xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Thứ hai, chăm sóc lợi ích và đời sống của nhân dân cả nước. Những đề xuất đó của Đại tướng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương triển khai thực hiện, qua đó tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, sớm ổn định đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, nâng cao đời sống nhân dân. Hơn nữa, sự lớn mạnh của Đảng thời kỳ này còn được thể hiện trong lãnh đạo quân đội, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận rõ sứ mệnh lịch sử của mình đối với dân tộc và vai trò to lớn của Quân đội với sự nghiệp cách mạng. Đảng đã vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới phù hợp với hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam; đồng thời, khẳng định tính tất yếu phải tổ chức, lãnh đạo Quân đội để quân đội trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc yêu cầu đó, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trước tình hình biến động chính trị mạnh mẽ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đại tướng Lê Đức Anh đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đặc biệt, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02/NQ-BCT, ngày 30/7/1987, xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Đây là một Nghị quyết rất cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân trong tình hình mới. Sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được tăng cường rõ rệt. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quy định vể tổ chức đảng và tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tham mưu cho Đảng, Nhà nước quyết định rút quân khỏi Campuchia vào năm 1989
Tư lệnh Lê Đức Anh thăm đơn vị 817 tại chiến trường Campuchia năm 1983 - Ảnh: tư liệu
Thời kỳ Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng, lợi dụng việc quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, các thế lực thù địch tích cực vận động quốc tế cô lập, tăng cường bao vây, cấm vận Việt Nam. Thực tế đó đặt ra tình thế cần phải thoát ra khỏi những sức ép nặng nề ấy, “để càng lâu càng không có lợi”. Nhưng, vấn đề đặt ra là, chúng ta chỉ rút quân khi đã hoàn thành các mục tiêu chiến lược ở Campuchia (cả cho bạn và cho ta), và chúng ta rút quân về nước trong tư thế của người chiến thắng.
Nhận thức rõ việc rút quân không chỉ là vấn đề quân sự mà còn là cánh cửa đầu tiên mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước; trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước quyết định rút quân khỏi Campuchia vào năm 1989, bởi lẽ theo Đại tướng, thì đây là “thời điểm chín muồi”. Và trên thực tế, việc rút quân tình nguyện Việt Nam về nước là một bước đi chiến lược bài bản, kỹ lưỡng, sáng suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Để bảo đảm các yêu cầu đặt ra, trước những đợt rút quân đặc biệt này, Đại tướng Lê Đức Anh ra chỉ thị: “Trước khi rút quân, phải đảm bảo đời sống cho nhân dân bạn” (sửa nhà, đào kênh, phòng chống dịch bệnh…). Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Lê Đức Anh, trong khoảng thời gian còn lại ở Campuchia, bộ đội Việt Nam trở thành đội quân công tác, là lực lượng lao động chính để chăm lo cho đời sống nhân dân Campuchia, để khi không còn sự giúp đỡ trực tiếp của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân nước bạn vẫn sống và tự bảo vệ được mình. Thậm chí, tất cả những gì của người lính tình nguyện Việt Nam, từ lương khô, gạo, thuốc men, mùng mền... (trừ trang bị vũ khí), đã để lại cho nhân dân Campuchia … Đến ngày 26-9-1989, Việt Nam hoàn thành việc rút toàn bộ quân tình nguyện ở Campuchia về nước: Đây là đợt rút quân cuối cùng, gồm bốn mặt trận: 479, 579, 779, 979 và các đơn vị còn lại của hai Sư đoàn bộ binh 330, 302, Đoàn 5 Hải quân, Trung đoàn căn cứ không quân 901 và một số tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, binh chủng, các đơn vị bảo đảm...
Có những sự kiện lịch sử khi thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa, giá trị của nó càng lớn lao; việc rút hàng chục vạn quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước là dấu ấn sâu đậm trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, Việt Nam đã từng bước bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ và gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)… với tư thế của người chiến thắng. Thành công đó bắt nguồn từ chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong đó có vai trò tham mưu to lớn của Bộ Quốc phòng đứng đầu là Bộ trưởng, Đại tướng Lê Đức Anh.
Đổi mới xây dựng Quân đội, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân
Tư duy và hành động mang tầm chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh còn được thể hiện ở việc: Trước những biến cố chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, để đảm bảo quân đội tinh, gọn và phù hợp yêu cầu bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và các đồng chí trong các cơ quan Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức, biên chế, thế bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ đất nước thời kỳ mới. Thượng tướng Đoàn Khuê, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp xây dựng kế hoạch điều chỉnh chiến lược. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Đại tướng Lê Đức Anh và Thượng tướng Đoàn Khuê đã có nhiều cuộc họp bàn, đi đến thống nhất trong điều chỉnh chiến lược, bố trí lại đội hình chiến lược bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước và đủ sức mạnh chống lại mọi tình huống chiến tranh. Đó là con đường đổi mới xây dựng quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói, trong điều kiện đất nước, quân đội còn nhiều khó khăn, tình hình hình chính trị ở Liên Xô và Đông Âu diễn biến phức tạp, chủ trương của Đại tướng Lê Đức Anh và Thượng tướng Đoàn Khuê là đúng đắn, sáng tạo, mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tế xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ý tưởng về điều chỉnh chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh, được báo cáo trước tập thể Bộ Chính trị. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, Bộ Chính trị đã đồng ý với những đề xuất của Đại tướng Lê Đức Anh. Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, nòng cốt là Bộ Tổng Tham mưu tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: Một là, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược và giảm quân số; hai là, soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình, triển khai trên toàn quốc “Thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “Quốc phòng toàn dân”, làm cơ sở lý luận và thực tiễn để ngày 30-7-1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02/NQ-BCT xác định “Nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo”, tập trung vào ba nội dung chủ yếu:
Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hai là, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, tham gia xây dựng kinh tế.
Ba là, làm tốt nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Campuchia.
Nghị quyết số 02/NQ-BCT của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống đã góp phần quan trọng vào việc phát động toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở xã, tạo nên sức mạnh tại chỗ của nền quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, để nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Trung ương Ðảng, Khóa VI ra Chỉ thị số 381, quyết định lấy ngày 22-12 (Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam) là “Ngày Hội Quốc phòng toàn dân”. Chính vì lẽ đó, ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày Hội Quốc phòng toàn dân - lần đầu tiên được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Sự kiện này có dấu ấn quan trọng từ tư duy mang tầm chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc
Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến công tác tại Trường Sa năm 1988.
Cùng với điều chỉnh thế bố trí chiến lược thời kỳ này, Đại tướng Lê Đức Anh còn tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc giảm quân số để bảo đảm đánh lâu dài và trực tiếp giảm chi phí quốc phòng. Đại tướng Lê Đức Anh nêu rõ: “Bộ Chính trị không nói mức giảm là bao nhiêu, mà để Bộ Quốc phòng tính toán sao cho hợp lý. Tôi đưa ra con số giảm trên 60% số quân thường trực và xin ngân sách quốc phòng từ 15 đến 18%, đầu tiên là tổng ngân sách, tiến tới là ngân sách thu trong nước. Với quân số cuối cùng này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và anh Đoàn Khuê bắt tay vào xây dựng kế hoạch”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Lê Đức Anh, kế hoạch giảm quân số trong quân đội được thực hiện khẩn trương, hiệu quả. Khi Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch điều chỉnh chiến lược và giảm mạnh quân số quân đội, từ quân thường trực 1,5 triệu xuống còn 45 vạn và bước đầu để 5 vạn quân dự bị (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn), nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà ngược lại được tăng cường, toàn thể Bộ Chính trị nhất trí hoàn toàn, gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản.
Thời kỳ này, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bước vào giai đoạn khủng hoảng dẫn đến tan rã, tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo trở nên cấp thiết, âm mưu của nước ngoài muốn tranh chấp chủ quyền với nước ta ở các đảo chìm dần lộ rõ. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để có hướng xử lý. Đại tướng Lê Đức Anh lập tức báo cáo Bộ Chính trị, bằng mọi biện pháp đưa quân ra đóng giữ các đảo chìm. Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc của Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó khiến các cán, bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam thêm vững tin, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trên cơ sở tham mưu của Bộ Quốc phòng đứng đầu là Đại tướng Lê Đức Anh, ngày 22/2/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ký quyết định giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, trước mắt là nhiệm vụ đóng quân trên các điểm đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng làm việc với các cơ quan Nhà nước tiếp nhận vật tư, trang bị, tài chính cho hải quân.
Ngày 16/3/1988, Bộ Chính trị họp và có Kết luận về nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng các nhà giàn và bố trí lực lượng trên tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa. Theo đó, Quân chủng Hải quân tích cực vận chuyển và xây dựng các công trình phòng thủ đảo. Các quân chủng, binh chủng như: hải quân, không quân, phòng không, đặc công, thông tin đã tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ. Tinh thần quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Đại tướng Lê Đức Anh được truyền đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân; mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, như dâng trào niềm xúc động và thấy trách nhiệm, vinh dự, tự hào và sẵn sàng dâng hiến tất cả khi đọc lời thể: Ngày 7 tháng 5 năm 1988, tại đảo Trường Sa Lớn - “Thủ đô của quần đảo Trường Sa”, khi ấy Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đọc lời thề: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Âm hưởng lay động sông núi, trào dâng trong lòng biển, đảo của Tổ quốc, như tiếng vọng từ chiều sâu lịch sử, kết nối hôm nay và mai sau. Có thể nói, với tất thảy những gì để lại, Đại tướng Lê Đức Anh đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng thế trận bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên biển, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Đại hội VI của Đảng (12/1986) và tiếp đó là Đại hội VII của Đảng (6/1991), đã xác định phương hướng lớn của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc gắn liền với xây dựng đất nước. Các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Khóa VII; Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 29/6/1992 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khoá VII, Về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hoà bình của địch, đã cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đánh dấu một bước phát triển quan trọng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định, là vị tướng trận mạc, từng vào sinh ra tử trong nhiều thời đoạn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với kinh nghiệm thực tế dạn dày và tư duy nhạy bén, sắc sảo, mang tầm chiến lược, đã trực tiếp tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cũng như vấn đề rút quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Đồng thời, Đại tướng Lê Đức Anh đã tham mưu cho Đảng trong việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; trực tiếp chỉ đạo quân đội điều chỉnh tổ chức biên chế, thế bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới; giảm quân số để bảo đảm đánh lâu dài và trực tiếp giảm chi phí quốc phòng,v.v… Những tham mưu, đề xuất của Đại tướng Lê Đức Anh đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả cao, trực tiếp góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Thời gian đã lùi xa, Đại tướng Lê Đức Anh không còn nữa, nhưng tư duy mang tầm chiến lược của ông trong xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng thời kỳ Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng là những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh và để lại những bài học đòi hỏi chúng ta phải chắt lọc, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc để bảo đảm cho đất nước Việt Nam mãi trường tồn, không ngừng phát triển và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời./.
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu- Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Theo VOV.VN - Ngày 28/11/2020