Cập nhật: 30/11/2020 09:05:00
Xem cỡ chữ

Mùa mưa bão năm nay, bờ biển Cà Mau tiếp tục hứng chịu sóng to, gió lớn nên sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ phá hỏng thân đê. Một lần nữa, chính quyền tỉnh phải ban bố tình huống khẩn cấp nhằm triển khai quyết liệt các công trình ứng phó, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân…

Gia cố chân đê biển Tây, đoạn thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh.

Thi công bất chấp sóng to, gió lớn…

Hơn tháng qua, tại vùng giáp ranh bên xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), hoàn lưu bão gây sóng lớn làm vỡ nhiều đoạn đê biển Tây, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Phía đê bên tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng nhiều lần khảo sát và cắt cử lực lượng túc trực ngày đêm, liên tục gia cố lại các đoạn đê xung yếu. Tại khu vực ven biển phía bờ Bắc vàm cống T29 (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), gần một tháng nay, ông Cao Hoàng Phong, cán bộ kỹ thuật phụ trách tốp công nhân xây kè biển. Vừa gia cố xong bằng rọ đá tại vị trí chân đê bị sạt lở, ông Phong cùng các cộng sự tiếp tục ra biển cắm cọc li tâm. Sà-lan chở cần cuốc và nhiều loại máy móc, thiết bị chuyên dụng… cứ chòng chành, lắc lư theo sóng lớn, khiến việc thi công vất vả. Công nhân điều khiển sà-lan Tô Hoài Bảo nói: "Thi công kè biển vào cao điểm mùa mưa bão rất vất vả vì sóng gió liên tục. Hiệu quả công việc chỉ bằng khoảng 30 đến 50% so với thi công trong thời tiết bình thường".

Bờ Tây Cà Mau khá mẫn cảm với thời tiết, nhất là mùa mưa bão. Ðó cũng là thời điểm gió mùa tây nam hoạt động mạnh nhất trong năm. Dọc tuyến bờ Tây, hiện có nhiều đơn vị đang miệt mài thi công kè biển. Một số vị trí, khu vực có công trình đang thi công, như: Sào Lưới (2.100 m); Kênh Tư đến Kênh Mới (3.160 m); từ Kênh Mới đến Sào Lưới (2.874 m); từ Sào Lưới đến Ba Tĩnh (3.516 m); từ Bắc Hương Mai +1500 đến Kênh xáng tuyến 4 (2.000 m); từ Kênh xáng tuyến 4 đến Móng Chim (2.000 m); từ Móng Chim đến Năm Quay (2.000 m); từ Năm Quay đến Tiểu Dừa (2.139 m); bờ Bắc vàm cống T29, đoạn tiếp giáp đoạn kè 800 m (561 m); bờ Nam vàm cống T29 (1.000 m). Ý thức rõ điều kiện thời tiết bất lợi, các nhà thầu phải tính toán giải pháp thi công hợp lý, đề phòng sóng dữ nhấn chìm sà-lan và các thiết bị chuyên dụng. Ông Cao Hoàng Phong chia sẻ: "Chúng tôi phải neo sà-lan núp phía sau kè, chờ bớt sóng mới thi công. Có hôm biển êm, chúng tôi mắc đèn điện làm thâu đêm".

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: "Sạt lở làm mất hết đai rừng đến tận chân đê, cho nên không thể chần chừ, chậm trễ. Chủ đầu tư chia làm nhiều gói thầu để hợp sức với nhiều đơn vị có năng lực, kinh nghiệm cùng thực hiện, bảo đảm công trình sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả che chắn sóng, ứng phó sạt lở, bảo vệ đê biển".

Ven bờ biển Tây đang được triển khai mười công trình kè biển, tổng chiều dài hơn 19,4 km, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dù điều kiện thời tiết bất lợi nhưng nhờ nỗ lực của các đơn vị thi công, nhiều công trình sắp hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng, góp phần giúp đê biển Tây trụ vững trong mùa mưa bão.

Khẩn cấp ứng phó sạt lở

Các phần việc ứng phó với sạt lở nghiêm trọng đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt bên phía bờ biển Ðông của tỉnh Cà Mau. Hiện có hai công trình kè đang thi công tại các vị trí: Cửa biển Rạch Gốc - Vàm Xoáy và Vàm Xoáy đến Ðất Mũi. Sóng gió ở bờ Ðông khốc liệt và dữ dội hơn bờ Tây. Vùng biển ấy, nước chảy mạnh, biên độ triều chênh lệch lớn giữa con nước lớn - ròng. Bởi vậy, các cọc kè bê-tông bên bờ Ðông được thiết kế khá dài để cắm được sâu xuống nền đất bùn. Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau Lâm Minh Thời cho biết: "Sà-lan và các thiết bị thi công bên bờ Ðông to hơn bên bờ Tây nhưng thỉnh thoảng cũng bị sóng dữ nhấn chìm. Những lúc như vậy, việc trục vớt khá vất vả và tốn thời gian, có khi phải thay mới thiết bị".

Ðể giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, từ năm 2012 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây mới được hơn 25 km kè ven biển, tổng kinh phí hơn 870 tỷ đồng. Trong đó, các công trình kè biển bên bờ Tây đã hoàn thành hơn 20 km. Sau nhiều năm thi công, đến nay, tuyến đê biển Tây đã được nâng cấp với hơn 51,3 km, tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng. "Nhờ Nhà nước can thiệp xây kè chắn sóng kịp thời và triển khai gia cố thân đê mà tới giờ, đê biển Tây vẫn trụ vững" - Ông Lê Thanh Cần, ngư dân có hơn mười năm hành nghề lưới cá ven cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) chia sẻ.

Liên tiếp hứng chịu hoàn lưu bão kết hợp triều cường dâng cao nên hiện nay, phía bờ Tây Cà Mau xuất hiện ít nhất tám điểm sạt lở mới, tổng chiều dài hơn 9,1 km. Tại các vị trí sạt lở, bên ngoài đê, rừng phòng hộ rất mỏng, sóng biển uy hiếp thân đê, có những đoạn nguy cơ ảnh hưởng đến các khu dân cư, trường học, trạm y tế và đường điện trung thế, cao thế... Ðó cũng là lý do từ tháng 8-2020 đến nay, UBND tỉnh Cà Mau hai lần ban bố tình huống xử lý khẩn cấp để kịp thời bảo vệ đê biển Tây. "Quá trình thực hiện các phần việc khẩn cấp, cơ quan chức năng tỉnh đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất, sử dụng vốn làm sao tiết kiệm, hợp lý nhất nhằm sớm phát huy hiệu quả công trình, kịp thời bảo vệ đê và tính mạng, tài sản của nhân dân" - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Tô Quốc Nam nói.

Cà Mau là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có ba bề giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng 254 km, gồm bờ Ðông (chưa có đê) và bờ Tây tiếp giáp với bờ biển tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Do tác động của biến đổi khí hậu gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng, bờ biển Cà Mau luôn có nguy cơ sạt lở cao. Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền tỉnh tìm mọi cách để kè những vị trí xung yếu. Về lâu dài, Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ vốn để nâng cấp 23 km đê biển Tây còn lại, đoạn từ Sông Ðốc đến Cái Ðôi Vàm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh đang triển khai các công trình cấp bách tại những đoạn sạt lở đã mất hết cây rừng. Nếu không thì khả năng đê biển bị vỡ rất cao. Thực tế cho thấy, khi thực hiện xong các công trình cấp bách, tuy bảo vệ được đê nhưng phải tốn thêm một thời gian khá dài mới khôi phục được đai rừng phòng hộ. Nếu như chúng ta chủ động xây kè trước thì rừng sẽ không mất.

Theo Bài và ảnh: Hữu Tùng/nhandan.com.vn - Ngày 23/11/2020