Cập nhật: 10/12/2020 10:26:00
Xem cỡ chữ

Trong những năm gần đây, hàng loạt sân chơi trí tuệ nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo khoa học, kỹ thuật của học sinh đã được tổ chức. Trong đó, phải kể đến hiệu ứng từ Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc do Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn tổ chức mới đây. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, em Phạm Thị Khánh Linh và em Hán Trần Bảo Châu, Trường THCS Yên Lạc đã lựa chọn đề tài “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa đối với học sinh thông qua truyện tranh” cho dự án của mình tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020. Các nguyên vật liệu làm ra mô hình, sản phẩm là vẽ truyện tranh “Tứ phương du ký” trên phần mềm ibisPaintX, sau đó in truyện trên khổ giấy A5, in màu, dịch truyện sang tiếng Anh, làm truyện nói tiếng Việt, truyện nói tiếng Anh.  Để lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, hai em Khánh Linh và Bảo Châu đã tổ chức các buổi tuyên truyền, ra mắt giới thiệu truyện đến học sinh. Lập nhóm “ Đại sứ môi trường ” trên Facebook để tuyên truyền mở rộng dự án. Với ý tưởng sáng tạo của mình, đề tài của các em đã được Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá rất cao và xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi.

Với mong muốn tạo ra những công cụ hữu ích, các em: Nguyễn Bảo Trúc, Nguyễn Phương Anh và Hoàng Minh Quân, Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên đã xây dựng đề tài: “Mở khóa thông minh bằng nhận dạng khuôn mặt”. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Nguyễn Thị Chiều và tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công thiết bị mở khóa thông minh bằng nhận diện khuôn mặt với chi phí chưa đến hai trăm nghìn đồng. Với tính ứng dụng cao trong cuộc sống, đề tài các em đã giành giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Phúc.

Thành công lớn nhất của cuộc thi không chỉ nằm ở số lượng, chất lượng, giải pháp dự thi ngày càng tăng, mà chính là đã khơi dậy và phát triển niềm đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong các em học sinh ở các nhà trường. Khi đã trở thành đam mê, các em sẽ có sự đầu tư xứng đáng về tâm sức, trí tuệ cho những lĩnh vực này. Cũng nhờ quá trình thai nghén đó, các nghiên cứu, sáng chế của học sinh mang tính ứng dụng ngày càng cao trong cuộc sống./.

Nguyễn Toàn