Cập nhật: 23/11/2024 19:55:00
Xem cỡ chữ

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện đại, thu hút đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia. Nhờ những ưu thế vượt trội như: tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác và nâng cao năng lực cạnh tranh, thương mại điện tử mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương.

Kinh doanh mặt hàng phụ kiện thời trang và quà tặng, chị Đỗ Thị Vân Trang ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết, ngay từ khi mở cửa hàng, cùng với việc bán hàng theo phương thức truyền thống, chị luôn quan tâm đẩy mạnh bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó mà sản phẩm của cửa hàng được quảng bá rộng rãi, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Với ưu điểm không giới hạn về không gian, thời gian, giảm chi phí trong giao dịch và dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, kinh doanh thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai nhằm đạt doanh thu tốt hơn và giảm chi phí vận hành.

Xác định thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và cộng đồng theo Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm Ocop trong và ngoài nước.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Sở Công Thương đang tích cực tham mưu với UBND tỉnh để đầu tư Sàn thương mại ngành công thương Vĩnh Phúc. Khi Sàn này đi vào hoạt động thì sẽ góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh và kết nối với các sàn thương mại điện tử của cả nước.

Phương Liên