Cập nhật: 10/12/2020 15:39:00
Xem cỡ chữ

Trong một cuộc gặp riêng tại phòng làm việc của mình, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm được hứa hẹn khi việc mua bán hoàn tất sẽ được nhận 15% giá trị của hệ thống Realtime PCR tự động.

Ngày 10/12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội, cùng 9 đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội danh trên.

Vụ thổi giá thiết bị chống dịch Covid-19 và những cuộc gặp bí mật - 1

Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng được công bố tại tòa, tháng 2/2020, Sở Y tế Hà Nội giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung gần 31,2 tỷ đồng, trong đó có danh mục mua các thiết bị của gói thầu số 15, gồm: một hệ thộng Realtime PCR tự động, 1 máy tách chiết DNA/RNA tự động, 3 tủ lạnh và tủ mát.

Sau khi được Sơ Y tế hà Nội giao làm chủ đầu tư gói thầu số 15, CDC Hà Nội đã lựa chọn thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm với chức trách là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của CDC Hà Nội đã không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Thay vào đó, bị cáo Cảm chủ động gặp, bàn bạc, thống nhất giá mua hàng hóa thuộc gói thầu số 15 với nhà thầu. Sau đó, ông Cảm chỉ đạo các bộ phận chức năng trong đơn vị thực hiện hành vi gian lận, hợp thức toàn bộ quy trình, thủ tục chỉ định thầu để mua sắm hàng hóa là máy móc, thiết bị y tế theo đúng giá đã thỏa thuận, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Vụ thổi giá thiết bị chống dịch Covid-19 và những cuộc gặp bí mật - 2

Đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng

Những cuộc gặp gỡ "bí mật"

Sáng 6/2/2020, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Cty TNHH Phát triển khoa học Vitech) gặp Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Cty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) tại một quán cà phê trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội). Hai bên bàn bạc, thống nhất giao cho Nhất đứng ra thực hiện các thủ tục mua hệ thống Realtime PCR tự động của Cty Phương Đông với giá khoảng 4 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu để bán cho CDC Hà Nội.

Để trúng thầu, Nhất sẽ chi cho Giám đốc CDC Hà Nội khoảng 10% giá trị sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ đi toàn bộ chi phí thực hiện, Nhất và Tuyền sẽ chia đôi mỗi người 50%. Nhất là người chịu trách nhiệm thỏa thuận và đưa khoản chi phí 10% nêu trên cho Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.

Sau khi thống nhất nội dung trên, Nhất nhắn tin cho ông Nguyễn Nhật Cảm hẹn gặp.

Vụ thổi giá thiết bị chống dịch Covid-19 và những cuộc gặp bí mật - 3

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.

Khoảng 16h ngày 6/2, ông Cảm gặp Nhất và Tuyền tại phòng làm việc của mình tại CDC Hà Nội để bàn bạc, thống nhất việc mua, bán hệ thống Realtime PCR tự động. Tại đây, ông Cảm thỏa thuận với Nhất và Tuyền sẽ mua hệ thống Realtime PCR của hãng Quiagen - Đức do Cty Phương Đông nhập khẩu với giá 7 tỷ đồng, bảo hành 3 năm.

Tuyền nêu lý do Cty Phương Đông không tham gia thầu trực tiếp vì công ty có nhiều đơn hàng, không đủ nhân viên thực hiện và đề nghị giao cho Nhất thực hiện. Ông Cảm đồng ý và đề nghị Nhất đưa nhà thầu đủ năng lực về kỹ thuật và nhân sự để thực hiện gói thầu với giá bán không thay đổi là 7 tỷ đồng, 3 năm bảo hành.

Sau đó, Tuyền đi ra ngoài trước, Nhất ở lại trong phòng trao đổi riêng với ông Cảm nội dung: khi việc mua bán hoàn tất, sẽ chi cho ông Cảm 15% (trước VAT) giá trị của hệ thống Realtime PCR tự động.

Sáng hôm sau, Tuyền báo cáo Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc Cty Phương Đông) về việc đã báo giá hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Quiagen cho CDC Hà Nội, đồng thời đề xuất Thành bán hệ thống máy này cho Nhất với giá hơn 3,7 tỷ đồng và 3 năm bảo hành, để Nhất vào thầu bán cho CDC Hà Nội. Thành chấp thuận bán với giá này, thời gian bảo hành 2 năm.

Khoảng 2 ngày sau, Nhất bàn bạc với Đào Thế Vinh (Giám đốc Cty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam - MST) việc tham gia bán hệ thống Realtime PCR và máy tách chiết do Cty Phương Đông nhập khẩu cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Vinh sẽ được hưởng 1,5% giá trị hợp đồng.

Ngày 18/2, ông Cảm chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ và khoa chuyên môn liên quan, thống nhất giá dự toán gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống Realtime PCR được xác định là 7 tỷ đồng, theo đúng thỏa thuận mua bán giữa ông Cảm và Nguyễn Ngọc Nhất.

Để giảm mức độ chênh lệch về giá mua vào, bán ra trước khi bán sản phẩm cho CDC Hà Nội, Đào Thế Vinh dùng các pháp nhân là công ty của gia đình của Vinh và nhờ công ty của bạn hàng lập hợp đồng mua bán khống, xuất hóa đơn, chứng từ để nâng giá 2 sản phẩm là hệ thống Realtime PCR tự động và máy tách chiết DNA/RNA tự động từ hơn 4,1 tỷ đồng lên thành hơn 7,8 tỷ đồng.

Kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cấp Trung ương xác định, giá các tài sản thuộc gói thầu số 15 theo giá thị trường tại thời điểm 2/2020 là hơn 4,1 tỷ đồng. Căn cứ kết luận định giá nêu trên xác định, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của ông Nguyễn Nhật Cảm và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Theo lời khai của ông Cảm, tại buổi gặp chiều ngày 6/2, bị cáo Nhất có nói sẽ chi phần trăm giá trị gói thầu cho CDC Hà Nội nhưng ông Cảm không nhớ rõ là bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cáo buộc, có căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có động cơ vụ lợi trong việc cố ý làm trái các quy định về chỉ định thầu gói thầu số 15.

Theo Tiến Nguyên/dantri.com.vn - Ngày 10/12/2020