Cập nhật: 16/12/2020 09:06:00
Xem cỡ chữ

Gần Tết, nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao. Nhiều cá nhân sẵn sàng đưa vào thị trường những thực phẩm kém chất lượng nhằm kiếm lời.

Ở các khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm soát ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa kém chất lượng xâm nhập vào nội địa.

Quảng Ninh có 132 km đường biên với Trung Quốc, với nhiều cửa khẩu, đường mòn lối mở. Trong đó, Móng Cái từ lâu vốn là địa bàn nóng dịp cuối năm về buôn lậu. Các đối tượng thường lợi dụng sông suối, đường mòn lối mở để thẩm lậu hàng hóa qua biên giới. Lợi dụng yếu tố thị trường vào dịp cuối năm nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm... tăng mạnh, nhiều chủ hàng sẵn sàng nhập những loại hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để vận chuyển vào nội địa, tung ra thị trường bán kiếm lời.

Chi cục ATVSTP kiểm tra giám sát bếp ăn của cơ sở tiếp nhận và cách ly người từ nước ngoài về Việt Nam.

“Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các ngành các cấp đã lập nhiều chốt chặn nên tình trạng vận chuyển hàng hóa nhập lậu đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do địa bàn biên giới vừa trên bộ vừa trên biển, cũng còn một số đối tượng lợi dụng để vận chuyển trái phép 1 số mặt hàng.

Dự báo gần Tết những mặt hàng người dân thường sử dụng như rượu bia, bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt dưa… sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách, lực lượng mỏng trên biên giới.. để tìm mọi cách để đưa những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài vào để tiêu thụ, kiếm lời” - ông Phạm Quang Khuy, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện hơn 50.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn là những cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình với thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp đa dạng. Vì thế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát. Nguồn cung đa dạng cũng khiến người dân khá phân vân khi lựa chọn sản phẩm dịp Tết.

“Gia đình chúng tôi hay mua đồ ở chợ nên không kiểm soát được chất lượng của hàng hóa, dịp cuối năm này tôi mong cơ quan chức năng kiểm soát đầu vào tốt hơn để người dân chúng tôi yên tâm sử dụng” - anh Nguyễn Văn Tâm, người dân tại thành phố Hạ Long nói.

Đội QLTT số 4 (Quảng Ninh) tiêu hủy chân gà nhập lậu.

Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, Chi cục VSATTP sẽ cung cấp thông tin các cơ sở không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tẩy chay thực phẩm không an toàn.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến tất cả người dân, đặc biệt tập trung cho các cơ sở chế biến nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ các sản phẩm thực phẩm của mình đối với sức khỏe người tiêu dùng. Người dân cũng cần nâng cao nhận thức để biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, biết tẩy chay các thực phẩm không an toàn, đồng thời phải nắm vững các biện pháp để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với gia đình cũng như cộng đồng” - Nguyễn Minh Chung cho biết.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phải có biện pháp đảm bảo phòng chống dịch, tập trung vào các khu chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn, khu du lịch và các khu tập trung đông người… hướng tới mục tiêu để người dân và du khách đón Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 an toàn, lành mạnh.

Theo CTV Nguyễn Dương/VOV-Đông Bắc - Ngày 15/12/2020