Cập nhật: 18/12/2020 15:49:00
Xem cỡ chữ

 Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm 2034, số nam giới trong độ tuổi từ 15-49 sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người.

Sáng 18/12, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, tổng tỷ suất sinh giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn 1 thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.

Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, con số này cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao. TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay. Tỷ lệ sinh thấp nhất là TP. HCM và cao nhất là Hà Tĩnh.

TSGTKS ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái) cũng cho thấy, có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống. Trong 10 năm qua, TSGTKS của nhóm nghèo nhất tăng từ 105,2 lên 108,2 bé trai/100 bé gái; trong khi đó, TSGTKS của nhóm giàu nhất vẫn giữ ở mức cao (năm 2019: 112,9 bé trai/100 bé gái).

Tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có 2 con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: “Với thực trạng về mức sinh cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên”.

Theo kết quả điều tra của các  nghiên cứu, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người; nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Dự báo dân số giai đoạn 2019-2069, theo phương án trung bình, dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người.

Theo Chung Thủy/VOV.VN - Ngày 18/12/2020