Cập nhật: 23/12/2020 08:09:00
Xem cỡ chữ

Sau những trải nghiệm ở các địa điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ, tôi chợt nhận ra rằng, bên cạnh những chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, Thiền viện Trúc Lâm phương nam, Cồn Sơn hay vườn cò Bằng Lăng… điều gây nhiều ấn tượng với tôi lại chính là vườn ca-cao Mười Cương. Bởi tại đây có rất nhiều điểm độc đáo để thấy được sự khác biệt giữa du lịch Cần Thơ với các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay cụ thể là giữa những miệt vườn.

Ông Mười Cương thực hiện quy trình chế biến ca-cao cho khách tham quan.

Khác lạ tạo nên ấn tượng

Nằm ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, vườn ca-cao Mười Cương chỉ cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 10 km, đường đi thuận tiện và dễ tìm. Ðiều may mắn nhất cho tôi là trong giai đoạn nước ta chưa đón trở lại khách du lịch quốc tế vì đại dịch Covid-19, tôi có thể trò chuyện với ông Lâm Thế Cương, tức Mười Cương nhiều hơn và thoải mái hơn mà không bị gián đoạn vì các chương trình tham quan hay tiếp khách. Bởi thay vì xem tôi như một khách du lịch, cần giới thiệu về khu vườn và thực hành tại chỗ quy trình lấy hạt ca-cao, sấy khô, xay hạt hay chế biến thành phẩm như thường lệ, ông ngồi tâm sự chuyện đời, công việc trong lúc đang ép dầu hạt ca-cao.

Với việc mời tôi một cốc ca-cao trước tiên, ông Mười Cương như thể muốn tôi có cảm nhận rõ ràng hơn hương vị béo ngậy mà lại thanh thanh của thứ đồ uống do chính ông chế biến, cũng như một trong những sản phẩm và công dụng mà trái cây ca-cao mang lại. Ông cho biết, vườn ca-cao của ông rộng hơn 1,2 ha với khoảng 2.000 cây, trong đó có nhiều giống khác nhau. Phổ biến nhất là giống ca-cao Trinitario như đã nêu trên, là loài được lai tạo giữa loài Crillo và Forastero. Từ những năm 1960, gia đình ông đã trồng ca-cao nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, thay vì đốn chặt vườn cây, bố ông đã khuyên các con mình nên tìm tài liệu, sách vở để thử làm sô-cô-la như của Pháp. Tình cờ, ông Mười Cương đọc được cuốn Le Cocao Courrier rồi cùng các chị gái mày mò chế biến và thành công. Ðến năm 1978, ngành ngoại thương Cần Thơ nhận thấy cây ca-cao tại địa phương có giá trị xuất khẩu rất lớn cho nên lập phương án trồng rộng rãi. Từ đó, ông Mười Cương kết hợp với Trường đại học Cần Thơ để ươm cây cho người dân trồng, đồng thời thu mua, chế biến rồi bán lại cho các công ty, nhà máy chuyên sản xuất sô-cô-la trên thế giới như Cargill, Nestle...

Tuy nhiên, sau một thời gian chững lại vì không tìm được đầu ra, tưởng như ông Mười Cương phải tính đến việc chặt bỏ vườn chuyển sang trồng cây khác thì năm 2010, được sự hỗ trợ về giống của các đối tác nước ngoài và Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ông tiếp tục duy trì và phát triển vườn ca-cao của mình. Bước ngoặt cho ông cùng gia đình là vào năm 2012 khi Cơ quan phát triển quốc tế Ðan Mạch (DANIDA) hỗ trợ ông xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Gia đình ông liền chuyển sang mô hình homestay, cung cấp dịch vụ tại chỗ cho du khách với nhiều hoạt động chuyên nghiệp và hấp dẫn. Chẳng hạn như theo chương trình du lịch hai ngày, một đêm thì từ bến Ninh Kiều, khách du lịch sẽ được đón xuống tàu, xuôi sông Cần Thơ hướng đến xã Mỹ Khánh. Khi đến ấp Mỹ Ái, gia đình ông đón họ tới vườn ca-cao và giới thiệu các hoạt động du lịch cộng đồng trong thời gian họ tham quan hoặc lưu trú tại gia đình. Du khách sẽ được ông Mười Cương hoặc các hướng dẫn viên của công ty lữ hành hướng dẫn tham gia quá trình thu hoạch, chế biến trái ca-cao, cũng như thưởng thức các món ăn truyền thống của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vườn ca-cao Mười Cương nổi tiếng với khách du lịch quốc tế hơn là khách trong nước. Lý giải điều này, ông Mười Cương cho biết, sở dĩ khách du lịch nước ngoài rất thích đến vườn ca-cao của ông là bởi họ muốn tìm hiểu xem ca-cao được trồng và làm ra như thế nào, khi mà ở Pháp, Thụy Sĩ hay Bỉ, ca-cao và sô-cô-la được sản xuất theo dây chuyền. Ngược lại, ở đây, tất cả đều được sản xuất thủ công, trực tiếp, thậm chí với những dụng cụ đã có tuổi đời hàng chục năm như cối xay bằng đá, nồi gang để rang hạt, máy ép để chiết bơ ca-cao… Có thể nói, quy trình điều chế hạt ca-cao tưởng chừng như rất thô sơ ấy đã mang đến sức hút rất lớn với các du khách quốc tế, bởi họ có thể mua và thưởng thức rất nhiều loại ca-cao và sô-cô-la ở nhiều nơi nhưng hiếm khi, hoặc có thể nói là chưa bao giờ được tận mắt thấy quy trình sản xuất loại thức uống vốn rất phổ biến này. Cũng chính nhờ cách làm du lịch độc và lạ này mà miệt vườn ca-cao Mười Cương dù xa lạ với du khách trong nước vì chúng ta ít có thói quen dùng ca-cao, song lại rất gần gũi với khách nước ngoài. Thậm chí, truyền thông nước ngoài cũng đã đưa tin, bài khá nhiều về vườn ca-cao ở Cần Thơ và ông Mười Cương nhanh chóng trở thành người nông dân nổi tiếng trên thế giới.

Nụ cười lạc quan của lão nông

Bí quyết thành công của ông Mười Cương không chỉ là 60 năm kinh nghiệm trồng ca-cao, kỹ năng mua, bán hạt ca-cao khô lên men cho một số công ty trong nước và Cargill (Mỹ) mà còn là khả năng giao tiếp tốt bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp với khách du lịch quốc tế hay đơn giản là kỹ thuật rang hạt ca-cao mà ông cho là khó nhất trong quá trình chế biến.

Tất cả những điều đó đã giải thích tại sao mặc dù có nhiều người cũng thử làm như ông, nhưng đều thất bại. Chẳng gì thì để duy trì và xây dựng một thương hiệu như vậy không đơn giản chỉ là việc chăm sóc, bón phân đều cho cây và quảng bá du lịch. Cái tên vườn ca-cao Mười Cương vì thế tồn tại trong gần 10 năm qua và tạo ra một nét độc đáo không giống với đâu trong rất nhiều miệt vườn ở Cần Thơ nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Và không quên rằng, vườn ca-cao Mười Cương là vườn ca-cao hữu cơ, nghĩa là ông chỉ dùng lá cây ca-cao, vỏ trái ca-cao kết hợp với bùn đất dưới mương để chăm sóc vườn, thay vì sử dụng phân hóa học. Có thể thấy, mô hình vườn cây của ông như một vòng tròn khép kín và việc nói không với hóa chất cùng những dây chuyền sản xuất hiện đại mà các công ty mời chào đã giúp ông giành được Huy chương bạc cho sản phẩm ca-cao bột tại Triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam năm 1986, cũng như thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế đến với số 275 ấp Mỹ Ái này.

Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch của Cần Thơ và những cá nhân như ông Mười Cương, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi cho ông về tương lai của vườn ca-cao. Bởi khi không còn sự ồn ào, náo nhiệt của những đoàn khách du lịch, ông mới có sự tĩnh lặng cần thiết để nghỉ ngơi và ngẫm nghĩ. Lợi thế của vườn ca-cao Mười Cương là sự độc đáo, khác biệt so với các miệt vườn khác nhưng chính điều này lại đặt ra thách thức rất lớn cho gia đình ông trong việc duy trì và phát triển mô hình du lịch cộng đồng vốn đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho bất cứ ai khi đến Cần Thơ.

Theo Bài và ảnh: MẠNH HÀO/nhandan.com.vn - Ngày 23/12/2020