Tỉnh Ninh Thuận phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch Duyên hải miền Trung.
Du khách vui chơi, tắm biển Cà Ná, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Du lịch Ninh Thuận trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc, dần khẳng định được bản sắc, thương hiệu của một địa phương.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là phát triển kinh tế theo nhóm ngành, lĩnh vực.
Tỉnh phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch Duyên hải miền Trung.
Tăng cường đầu tư hạ tầng, số hóa các dữ liệu du lịch
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định Ninh Thuận đã từng bước tạo được bức tranh du lịch độc đáo, khác biệt, đầy sắc màu, sôi động, thu hút du khách nội địa và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước phát triển, thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh lân cận có tiềm lực phát triển mạnh về du lịch.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, đưa du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận đón 6 triệu lượt khách, ngành du lịch đóng góp 15% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), doanh thu đạt khoảng 5.900 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.
Vì vậy, thời gian tới Ninh Thuận thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu du lịch, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm, đẳng cấp, tạo điểm nhấn phát triển du lịch của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án du lịch đang triển khai; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết tour, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực du lịch; xây dựng môi trường văn hóa thân thiện, văn minh để thu hút khách du lịch đến với tỉnh.
Để tạo thuận lợi tối đa cho du khách từ việc tìm hiểu thông tin liên quan đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan, trải nghiệm, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện số hóa đối với các dữ liệu liên quan lĩnh vực du lịch-dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa thông tin trong bối cảnh thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, việc đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực du lịch lại càng cần thiết.
Hiện nay, Ninh Thuận đã xây dựng và đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử du lịch. Du khách chỉ cần cài ứng dụng du lịch Ninh Thuận sẽ dễ dàng cập nhật các thông tin liên quan đến các địa điểm dịch vụ du lịch, tham quan, cơ sở lưu trú, địa chỉ ẩm thực.
Thời gian tới, tỉnh tăng cường cập nhật các thông tin liên quan đến du lịch, dịch vụ trên ứng dụng này để tiếp tục giới thiệu, quảng bá về các loại hình, sản phẩm du lịch cũng như tạo thuận lợi cho du khách khi tìm hiểu về Ninh Thuận.
Ngoài ra, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Ninh Thuận tiếp tục tổ chức các cuộc thi như viết bài thuyết minh về các điểm đến, khu di tích; thi làm video clip giới thiệu, quảng bá hình ảnh về du lịch Ninh Thuận cùng những hành trình trải nghiệm của du khách nhằm lan tỏa nhiều hơn nữa về điểm đến Ninh Thuận ấn tượng, mến khách tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Kết nối các trục, không gian du lịch
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, để tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, phát triển du lịch Ninh Thuận theo hướng toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tập trung phát triển và tăng cường kết nối 3 trục không gian du lịch trên địa bàn.
Du khách tham quan vườn nho Ba Mọi tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Cụ thể, đối với trục không gian Đông Bắc, tỉnh tập trung các nguồn lực phát triển các khu vực không gian ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa, kết nối với Khu đô thị du lịch chức năng Đầm Nại - núi Cà Đú, nhằm khai thác và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao rừng-biển, giải trí thể thao biển cao cấp, tham quan nghiên cứu khoa học, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện...
Đối với trục không gian trung tâm kết nối khu vực phía Nam của tỉnh, Ninh Thuận triển khai và thực hiện tốt Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ (sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) kéo dài từ Bình Tiên đến Cà Ná mà trọng tâm là Khu du lịch Ninh Chữ-Bình Sơn theo Nghị quyết 115/CP của Chính phủ; đồng thời tạo tuyến kết nối phát triển hành lang Đông-Tây khu đô thị Đầm Nại, tuyến hành lang Bắc-Nam đô thị Phan Rang-Tháp Chàm và Mũi Dinh-Cà Ná, hình thành các trung tâm tổ chức hội nghị đạt chuẩn quốc gia và khu vực, gắn với các điểm du lịch ven biển Ninh Chữ-Vĩnh Hy-Bình Tiên-Mũi Dinh-Cà Ná, các làng nghề, di tích... hình thành những tour du lịch biển và khai thác có hiệu quả.
Trong khi đó, với trục không gian phía Tây, Tây Bắc của tỉnh, Ninh Thuận định hướng tập trung triển khai thu hút đầu tư phát triển Vườn quốc gia Phước Bình đa dạng sinh học, cùng với nét văn hóa riêng có của đồng bào hai dân tộc Raglai và Chu Ru, góp phần đem lại sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của địa phương.
Cùng với việc kết nối các không gian du lịch trong tỉnh, Ninh Thuận cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác liên kết để hợp tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến, đào tạo nhân lực du lịch với các tỉnh cùng khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, góp phần phát triển bền vững du lịch Ninh Thuận trong xu thế hội nhập và phát triển./.
Theo Trà-Thử-Hưng-Thành-Nhung (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 06/01/2021
https://www.vietnamplus.vn/du-lich-ninh-thuan-diem-den-hut-khach-tai-duyen-hai-mien-trung/687883.vnp