Cập nhật: 13/01/2021 14:25:00
Xem cỡ chữ

Những ngày qua, nhiều bệnh viện ở Hà Nội tiếp tục ghi nhận sự gia tăng từ 15-30% các trường hợp đột quỵ nhập viện do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.

Đáng chú ý là trong đợt lạnh kéo dài này có nhiều bệnh nhân bị chảy máu não ồ ạt không thể cứu chữa được, trong đó có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ.

Mới 39 tuổi nhưng một nam giới ở Hưng Yên đã bị đột quỵ, nhập Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, chảy máu não ồ ạt, huyết áp rất cao lên tới 230/130. Dù được các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng do xuất huyết não nặng, nhập viện muộn nên bệnh nhân đã không qua khỏi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiến sĩ, bác sĩ Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Trời lạnh dẫn đến hiện tượng co mạch, làm huyết áp tăng cao. Trời rét, số bệnh nhân nặng tăng lên, đặc biệt là bệnh nhân bị chảy máu não tăng từ 10-20% so với ngày thường. Các dấu hiệu của đột quỵ là nói khó, nói ngọng bất thường, liệt mặt, tê mỏi chân tay, cử động khó, tê liệt một bên cơ thể.… Bệnh nhân cần được đến bệnh viện càng sớm càng tốt để hạn chế tử vong và giảm tỷ lệ để lại di chứng”.

Trong số hơn 2.000 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong 2 tháng qua, có khoảng 10% là người trẻ dưới 44 tuổi, thậm chí có trường hợp chỉ mới 14 tuổi. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn nên mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do là người trẻ thường chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu của đột quỵ. Những người này thường có các bất thường về mạch máu não hoặc có tiền sử nghiện thuốc lá, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, ít vận động thể lực, làm việc căng thẳng và lạm dụng rượu bia. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa thành mạch, dẫn đến đột quỵ.

Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai những ngày này cũng tiếp nhận rất nhiều người cao tuổi bị đột quỵ. Bà Bùi Thị Hường, con gái của cụ Đỗ Thị Tèo gần 90 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội cho hay: “Cụ nhà tôi bị huyết áp cao, hôm qua bà bị tê chân, đột quỵ. Những đợt rét trước không sao, nhưng lần này rét đậm quá nên cụ bị đột quỵ…”.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu đột quỵ, cần lập tức gọi xe cứu thương 115; theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh trong khi chờ xe cứu thương đến; cần khuyến khích người bệnh nằm xuống, nghiêng về bên trái với tư thế đầu cao, giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, khi người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ nếu những người xung quanh không biết cách. Bên cạnh đó, không được tự ý cho người bệnh uống thuốc và không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.

Theo Văn Hải/VOV1 - Ngày 13/1/2021

https://vov.vn/suc-khoe/gia-tang-cac-ca-dot-quy-chay-mau-nao-o-at-va-tu-vong-830317.vov