Kể từ khi xuất hiện từ hơn 1 năm qua, số ca nhiễm và tử vong vì đại dịch COVID-19 không ngừng tăng và liên tiếp thiết lập những cột mốc mới. Tuy nhiên, cùng với những tiến bộ trong phát triển vaccine, các chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh trên toàn thế giới và sự thích ứng của con người trước "trạng thái bình thường mới", sự lây lan của COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu “giảm tốc”.
Khép lại 1 năm 2020 đầy biến động và thách thức do đại dịch COVID-19, chúng ta bước sang ngày đầu tiên của năm 2021 với một niềm tin và một quyết tâm mạnh mẽ để những nỗi ám ảnh về dịch bệnh sẽ sớm không còn hiện hữu.
|
Người dân Italy đeo khẩu trang khi thăm quan Nhà thờ chính tòa Milano, ngày 11/2. (Ảnh: Xinhua) |
Tính đến sáng 12/2, đã có 80.458.223 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.439.856 ca bệnh đang điều trị thì có 25.488.787 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 100.370 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau nhiều ngày liên tiếp, Mỹ, Ấn Độ, Brazil vẫn là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 433.412 ca mắc và 12.832 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng hôm nay (12/2) lần lượt là 108.275.108 và 2.377.029 trường hợp.
Một thông tin tốt lành mà chúng ta đón nhận được trong ngày đầu năm mới là Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Italy, Đức và Nhật Bản đang xem xét khả năng huy động 500 tỷ USD thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. G7 có thể sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, đặc biệt là đợt phân bổ mới quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Hồi năm 2009, SDR đã giúp các nước có được 183 tỷ USD nhằm giải quyết tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc phân bổ SDR lần này có thể giúp các quốc gia châu Phi vùng Hạ Sahara nhận trực tiếp 18 tỷ USD và vay tiền từ các quốc gia khác với lãi suất thấp.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 31.861.559 trường hợp, trong đó có 756.125 ca tử vong và 18.522.974 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 150.116 ca nhiễm và 4.609 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 119.355 ca nhiễm COVID-19 và 4.405 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 32.049.207 và 702.387 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 27.997.685 ca nhiễm và 486.747 ca tử vong vì COVID-19. Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi bệnh dịch, ngày 11/2, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này đã mua thêm 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, hoàn thành cam kết như đã hứa vào tháng trước, đồng thời khẳng định sẽ có đủ vaccine từ Moderna và Pfizer/BioNTech để tiêm cho toàn bộ người dân Mỹ vào cuối tháng 7. Ông J.Biden đánh giá Mỹ đã không làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai tiêm chủng vaccine cho hàng trăm triệu người dân. Trước đó, nhiều bang của Mỹ cho biết họ không có đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân và tốc độc tiêm chủng chậm hơn nhiều so với dự kiến. Tuy nhiên, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh với trung bình khoảng 900.000 người mỗi ngày và hiện tốc độ đạt được là 1,5 triệu người mỗi ngày.
|
Tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 10/2. Ảnh: AFP |
Tính đến sáng 12/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 23.844.157 trường hợp, với 383.202 ca tử vong và 22.356.154 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.104.801 ca bệnh đang điều trị thì có 22.412 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 9.353 ca nhiễm mới COVID-19, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (10.880.413 ca).
Với 24.104 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được ở thời điểm hiện tại (xếp thứ 35 trong bảng xếp hạng của worldometers.info tại khu vực châu Á), Thái Lan đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết, trong đó có việc đại Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thái Lan, ngày 11/2 công bố hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất vào tháng 5 tới. Việc tiêm chủng đại trà sẽ được thực hiện sau đó một tháng, với mục tiêu mỗi tháng có 10 triệu người được tiêm chủng.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 85.919 ca nhiễm và 2.404 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16.729.721 trường hợp, với 436.835 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru…với lần lượt: 9.716.298; 2.179.641; 2.008.345; 1.212.309… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Ngày 11/2, Tổng thống Bolivia Luis Arce cho biết nước này sẽ triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn quốc ngay trong tháng 2 này sau khi đạt được thỏa thuận với đối tác Trung Quốc về việc mua vaccine do Sinopharm sản xuất. Theo số liệu trên worldometers.info, hiện Bolivia đang là nước có số câ nhiễm COVID-19 cao thứ 7 ở khu vực Nam Mỹ (với 232.502 trường hợp).
Tính đến sáng 12/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.739.527 trường hợp, trong đó có 97.385 ca tử vong và 3.268.948 ca bình phục. Trong tổng số 372.924 ca đang điều trị thì có 2.540 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.484.900 ca nhiễm COVID-19 và 47.382 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.488 ca nhiễm và 237 ca tử vong.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 11/2 tuyên bố Nam Phi bảo đảm được hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ các hãng dược phẩm Johnson & Johnson và Pfizer để tiêm chủng cho người dân chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại nước này. Phát biểu trên truyền hình, ông Ramaphosa thông báo Nam Phi đã đặt mua 9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ngoài ra, Nam Phi còn được cam kết 12 triệu liều vaccine qua Cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho những nước đang phát triển.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 6 ca nhiễm COVID-19, tất cả đều ở Australia. Hiện khu vực này ghi nhận 50.486 ca nhiễm và 1.080 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 28.877 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.244 ca./.
Theo Thu Lan - Ngày 12/02/2021
https://dangcongsan.vn/thoi-su/su-lay-lan-cua-covid-19-tren-pham-vi-toan-cau-dang-giam-toc-574752.html