Ung thư gan là một "sát thủ thầm lặng", vì diễn biến của ung thư gan khá âm thầm và thường chỉ được phát hiện trong giai đoạn muộn.
Ung thư gan có 4 giai đoạn (1,2,3,4), thể hiện từng mức độ lây lan khác nhau của bệnh. Bằng các phương pháp chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính CT, MRI, chụp xương,…, có thể xác định bệnh nhân ung thư giai đoạn nào và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu như phát hiện ung thư gan trong giai đoạn đầu, lúc này khối ung thư chỉ nằm giới hạn trong gan và còn rất nhỏ, chưa lây lan sang các bộ phận khác thì có thể phẫu thuật để loại bỏ nó. Tuy nhiên, giai đoạn 4 được xem là giai đoạn phát triển nặng nhất của bệnh ung thư gan hay còn gọi là bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Khi đó các khối u đã di chuyển khỏi gan và lây lan tới các mạch máu, hạch bạch huyết, phổi…
Các triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối
Triệu chứng của ung thư gan trong giai đoạn đầu rất dễ bị bỏ qua hoặc dễ nhầm với các bệnh khác như: sốt nhẹ, chán ăn, cơ thể mệt mỏi…Khi khối u đi vào giai đoạn nặng, các triệu chứng rõ ràng hơn và dễ nhận biết hơn:
- Mệt mỏi
- Sưng bụng
- Phía bên phải của bụng bị đau
- Sốt cao
- Sút cân không rõ nguyên nhân
- Xương đau nhức
- Dung tích phổi giảm
- Buồn nôn
Ngoài ra, ở giai đoạn cuối, các độc tố và chất thải trong cơ thể không được gan xử lý vì lúc này đã mất hoàn toàn chức năng tích tụ lại, ảnh hưởng lên não khiến người bệnh có thể bị mất trí nhớ, nhầm lẫn, tính cách thay đổi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, hay mất tập trung.
Các cơ quan khác cũng bị tổn thương như phổi khó trao đổi chất, suy thận và hôn mê. Ung thư gan sẽ dẫn đến gan bị mất các chức năng vốn có, lá lách mở rộng, xuất huyết nội tạng, lượng tiểu cầu trong máu thấp… Hơn nữa, do gan hoạt động kém, giải phóng men gan vào máu dẫn đến tích tụ bilirubin trong máu, gây ra hiện tượng vàng mắt, vàng da, nước tiểu vàng, phân xám hoặc xanh và nặng mùi, cơ thể suy nhược, chán ăn.
Phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn cuối
Ung thư gan giai đoạn cuối không có phương pháp chữa khỏi vì ở giai đoạn cuối tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan khác của cơ thể như thận, phổi, xương, tuyến tụy, mạch máu…Vì vậy lựa chọn duy nhất là điều trị giảm nhẹ. Các bác sĩ sẽ cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân, bằng cách kiểm soát các cơn đau và các biến chứng khác gây ra bởi căn bệnh này, đồng thời cải thiện sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân.
Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối
Thông thường bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối chỉ sống được rất ngắn (khoảng 6 tháng), tuy nhiên thời gian sống sẽ khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng thể chất và tinh thần, giới tính, các yếu tố di truyền, khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.
Khi bị ung thư gan giai đoạn cuối, lá gan đã bị suy yếu, chức năng giải độc kém nên không thể lọc thải những chất độc hại được nữa. Do vậy mà sức khỏe người bệnh sẽ suy giảm nhanh chóng, dẫn đến tử vong nhanh. Vì thế, khi biết bản thân bị ung thư gan, người bệnh phải tìm cách tăng cường chức năng gan, giúp giải độc gan, giảm bớt tình trạng bệnh.
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn - Ngày 25/02/2021
Tổng hợp
https://dantri.com.vn/suc-khoe/xuat-hien-nhung-trieu-chung-nay-co-the-ung-thu-gan-da-den-giai-doan-cuoi-20210225140528801.htm