Cập nhật: 26/02/2021 10:47:00
Xem cỡ chữ

Với tiềm năng lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp khai thác thế mạnh của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản. Năm 2020, với sự nỗ lực của các chủ thể, toàn tỉnh đã có thêm 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao theo chương trình OCOP.

Triển khai chương trình OCOP năm 2020, toàn tỉnh đã có hơn 60 ý tưởng sản phẩm từ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đăng ký tham gia. Sau chặng đường từ việc lên ý tưởng cho sản phẩm, đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch kinh doanh, đến cuối năm 2020, tỉnh đã lựa chọn được 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao. Các sản phẩm này sẽ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Vĩnh Phúc và thứ hạng sao trên bao bì. Đây là cơ hội để các sản phẩm tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Với sự hỗ trợ về thủ tục hồ sơ, hướng dẫn quy trình sản xuất từ các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2019, 2020 Công ty Cổ phn Ong Tam Đảo đã có 9 sản phẩm đạt 4 sao theo tiêu chuẩn của Chương trình OCOP. Dù trước đây đã có thương hiệu trên thị trường, nhưng từ khi các sản phẩm mật ong của doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP thì sức cạnh tranh của các sản phẩm này tốt hơn, được người tiêu dùng tin tưởng.

Tham gia vào chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có cơ hội để nâng cao chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì sản phẩm. Từ đó có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và cả những tiêu chuẩn khắt khe hơn tại thị trường quốc tế. Với 40 sản phẩm OCOP được công nhận trong hai năm 2019, 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đang khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh và là động lực giúp nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường./.

Hà Giang