Cập nhật: 10/03/2021 11:00:00
Xem cỡ chữ

Bên cạnh việc định hướng, tập trung giải quyết việc làm cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, trong tỉnh, trong nước; xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài, thì hiện nay nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế ngành nghề truyền thống để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân tại nông thôn.

Huyện Vĩnh Tường có nhiều ngành nghề truyền thống đặc trưng theo thế mạnh của từng địa phương, đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Các làng nghề truyền thống như rèn Lý Nhân, mộc An Tường, hay các sản phẩm làng nghề truyền thống khác hiện đã có sự đầu tư phát triển về mẫu mã, tăng tính cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phát huy lợi thế có nghề truyền thống, chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ làm nghề đổi mới tư duy, áp dụng khoa học, kỹ thuật, cách làm mới, sáng tạo, tích cực tham gia nhiều hội thi nghề, mở rộng sản xuất, tìm kiếm hướng đi nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường đi đôi với việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động của địa phương.

Không chỉ đơn thuần phục vụ đời sống, các sản phẩm làng nghề từ nông nghiệp được duy trì sản xuất vừa tạo việc làm lúc nông nhàn, vừa là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

Xác định được hiệu quả của ngành nghề truyền thống mang lại, chính quyền các địa phương đã tạo mọi điều kiện để người dân tham gia làm nghề tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cải thiện đời sống.

Với hướng đi tận dụng điều kiện, lợi thế ngành nghề truyền thống, công tác giải quyết việc làm tại chỗ ở các địa phương trong huyện Vĩnh Tường có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là một trong những giải pháp để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển các ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Tiến Trang