Tại vùng biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cộng đồng người Hà Nhì sinh sống chủ yếu tại các xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn và Sen Thượng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, song đồng bào Hà Nhì nơi đây luôn chú trọng gìn giữ, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc, tô thêm sắc màu văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Kết thúc vụ mùa, bà Pờ Chinh Nọ và chị em phụ nữ Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên lại cùng nhau chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống cho gia đình để chuẩn bị đón tết. Bà cho biết, để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống thường mất rất nhiều thời gian và phải tỉ mẩn từng khâu, từ chọn nguyên liệu, nhuộm vải, đến thêu thùa... Đây không chỉ là lao động sáng tạo mà còn là cách để gìn giữ và truyền tải giá trị văn hóa qua các thế hệ.
Phụ nữ Hà Nhì bên cột mốc biên giới ở Mường Nhé, Điện Biên
"Nghề làm trang phục được người phụ nữ Hà Nhì truyền lại từ thời xa xưa. Từ các bà, các cụ đã làm áo, khăn, mũ và truyền lại cho các thế hệ sau. Bộ trang phục Hà Nhì với những hoa văn thể hiện mong muốn của con người trong đời sống thường ngày và cũng thể hiện sự tỷ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì".
Chị Pờ Mỳ Nụ, một phụ nữ Hà Nhì ở xã Sín Thầu cho biết: Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì gồm: áo, mũ, yếm và dây lưng. Sự phối hợp màu sắc, hoa văn phức tạp trên trang phục không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp, mà còn ẩn chứa những câu chuyện về cuộc sống và văn hóa; đồng thời thể hiện mối quan hệ của con người với thiên nhiên.
"Trang phục của người Hà Nhì Lạ Mí chúng em tượng trưng cho thiên nhiên, mối quan hệ của con người với thiên nhiên. Trang phục của chúng em màu sắc sặc sỡ hơn, ở các nơi khác như người Hà Nhì đen ở Lai Châu chỉ có màu xanh với màu đen hơn, còn của chúng em nó có nhiều màu sắc, sặc sỡ hơn".
Chị em người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, Mường Nhé chuẩn bị trang phục mới để đón tết.
Năm 2023, nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì tại các xã vùng biên Mường Nhé chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Danh hiệu này không chỉ ghi nhận giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn là động lực để người Hà Nhì bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.
Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé cho biết: Chính quyền địa phương luôn khuyến khích thế hệ trẻ học và gìn giữ nghề may vá truyền thống. Những phụ nữ lớn tuổi giàu kinh nghiệm cũng đang nỗ lực truyền lại kỹ năng này để bản sắc dân tộc không bị mai một.
"Trong thời gian qua, cấp ủy chính quyền xã cùng với chị em phụ nữ, các cô, các bà có tuổi có kinh nghiệm vẫn dạy cho những thế hệ trẻ để không mai một bản sắc dân tộc như may mặc, khâu vá. Những phụ nữ biết may thì từ thế hệ này đến thế hệ khác lưu truyền để truyền lại cho con cháu, của đồng bào dân tộc Hà Nhì để bản sắc dân tộc Hà Nhì được lưu giữ".
Sự phối hợp màu sắc, hoa văn trên trang phục không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa những câu chuyện về cuộc sống và văn hóa
Những phụ nữ lớn tuổi giàu kinh nghiệm cũng đang nỗ lực truyền lại nghề may vá truyền thống cho thế hệ trẻ.
Vào mỗi dịp tết, lễ hội, người Hà Nhì lại khoác lên mình những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất như một cách thể hiện tình yêu và niềm tự hào về cội nguồn. Không chỉ là vẻ đẹp bề ngoài, những bộ trang phục ấy còn là hơi thở, là biểu tượng trường tồn của văn hóa và bản sắc dân tộc. Để rồi, qua bao thế hệ, hơi thở văn hóa ấy vẫn được đồng bào gìn giữ, phát huy sao cho mãi trường tồn trên vùng đất biên cương Điện Biên.
Theo Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/van-hoa/di-san/hanh-trinh-gin-giu-di-san-trang-phuc-cua-nguoi-ha-nhi-dien-bien-post1147189.vov