Cập nhật: 22/03/2021 14:08:00
Xem cỡ chữ

“Bố già” Ba Sang, ông Sơn, ông Luật (Về nhà đi con), Người phán xử” Phan Quân…. Mỗi ông bố là một câu chuyện, một tính cách riêng nhưng có điểm chung - đều yêu thương con hết lòng.

Ba Sang trong “Bố già”

Đứng đầu danh sách những “ông bố quốc dân” không thể bỏ qua hiện tượng phòng vé “Bố già”. Bộ phim xoay quanh câu chuyện gia đình nhiều thế hệ gồm Hai Giàu (Ngọc Giàu), Ba Sang (Trấn Thành), Tư Phú (Hoàng Mèo) và Út Quý (La Thành). Trong đó, nhân vật Ba Sang (Trấn Thành) được lựa chọn làm điểm nhìn chính.

Ba Sang là người bố đơn thân làm đủ nghề để nuôi con. Tính cách bao đồng, thích giúp đỡ mọi người, dù bị hàng xóm và anh em khinh ghét ra mặt. Lúc thì hà tiện đến một chai dầu gội, nhưng có lúc lại sẵn sàng bỏ ra chục triệu để cứu đứa em bị cả họ ruồng bỏ. Nhân vật là hiện thân của một người cha thế hệ cũ điển hình, hết lòng tận tâm vì con, vì cháu mà chẳng màng báo đáp.

Vai diễn Ba Sang đã đánh dấu một thành công vang dội của Trấn Thành trong sự nghiệp diễn xuất. Dù tuổi trẻ và chưa có kinh nghiệm làm bố, Trấn Thành dường như không phải sự lựa chọn phù hợp cho vai diễn ngay từ đầu. Thế nhưng xem Trấn Thành diễn, khán giả vẫn cảm nhận được tình cha dạt dào và những nỗi đau, trăn trở thật như đời.

Trấn Thành đã tiết chế được lối diễn cường điệu, nhấn nhá thường thấy, chọn một nét diễn trung tính hơn, thậm chí làm nền cho những nhân vật xung quanh. Từ đôi mắt ầng ậng nước, đến những phân cảnh trên con xe cà tàng đều lột tả một ba Sang vừa khắc khổ nhưng cũng đầy mạnh mẽ để gồng mình gánh vác gia đình. Thế nhưng cái duyên của nghệ sĩ vẫn được thể hiện qua những phân cảnh dí dỏm hài hước nhưng vẫn thấm thía, sâu cay.

Ông Sơn trong “Về nhà đi con”

Trước đó, khán giả màn ảnh nhỏ đã có cơ hội chứng kiến câu chuyện gia đình đầy cảm động của bốn bố con ông Sơn. NSND Trung Anh đã hoá thân xuất sắc vào vai ông Sơn, là một người bố điển hình đúng nghĩa, bình dị, khắc khổ nhưng yêu thương con hết mực.

Sống cảnh “gà trống nuôi con”, bố Sơn coi ba cô con gái như ba “bình rượu mơ” quý nhất đời. Tình yêu giản dị của bố Sơn thể hiện qua phân cảnh ông tìm đến nhà ông Luật khi biết chuyện hợp đồng giữa Vũ và Thư. Xót xa nhưng bất lực chứng kiến cảnh con gái không hạnh phúc, ông chỉ còn biết ôm con vào lòng mà chua chát: “Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều. Nhưng bố có tình yêu, tình yêu và ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”.

Nhiều khán giả từng bày tỏ lo lắng bởi đứng trước cái bóng của một Lương Bổng (Người phán xử) quá thành công như vậy, liệu NSND Trung Anh có đủ sức để đảm đương một vai diễn trái ngược hoàn toàn? Và những gì mà bố Sơn thể hiện trong “Về nhà đi con” đã trả lời cho câu hỏi đó. Từng nét mặt, cử chỉ, diễn biến tâm lý chứng minh Bố Sơn đã thực sự tròn vai khi lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Bất cứ ai xem phim cũng có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của bố mình trong đó.

Vai diễn ông bố lam lũ, khắc khổ nhưng dạt dào tình yêu mà NSND Trung Anh đảm đương đã thể hiện xuất sắc tinh thần chính của bộ phim: “Về nhà đi con, về nhà với bố”, rằng gia đình mãi mãi là nơi để trở về.

Phan Quân trong “Người phán xử”

Nhắc đến vai diễn “người bố” chắc chắn không thể bỏ qua nhân vật Phan Quân trong “Người phán xử”, do NSND Hoàng Dũng thể hiện.

Dù là một nhân vật đáng nể, đáng sợ song Phan Quân cũng là ông bố đáng thương bậc nhất. Một mặt, ông là “cây đa cây đề” trong lĩnh vực kinh doanh, một ông trùm “hắc bang” được thế giới ngầm kính sợ. Thế nhưng mặt khác, Phan Quân gần như “bó tay” trong việc dạy con.

Cả đứa con quý tử lẫn đứa con rơi đều ít nhiều có sự chống đối ông, như một minh chứng cho thấy sự mất cân bằng khi Phan Quân có cả xã hội ngoài kia nhưng lại không có được gia đình. Chính rắc rối trong mối quan hệ cha con Phan Quân đã chạm đến sự đồng cảm của khán giả. Bởi ít nhiều gia đình nào cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Thế nhưng trải qua mỗi tập phim, nhân vật này ngày càng được lật mở, từng góc khuất tâm lý và tình yêu thương được khơi ra. Chỉ bằng những câu thoại đơn giản, dùng ánh mắt nhiều hơn dùng âm thanh, người xem vẫn có thể đồng cảm với tình yêu con, yêu gia đình hết lòng của nhân vật. Với ông, “gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không không quan trọng”. Dù mang kết cục tù tội, Phan Quân dưới vai trò một ông bố vẫn vô cùng ấn tượng, chiếm được nhiều cảm tình của người xem.

Ông Luật trong “Về nhà đi con”

Không chỉ là ông bố Phan Quân tài giỏi gồng gánh cả Phan Thị trong “Người phán xử”, NSND Hoàng Dũng tiếp tục chinh phục trái tim khán giả trong “Về nhà đi con”.

Khác với bố Sơn sống nặng tình cảm, bố Luật dạy con có phần lý trí và lạnh lùng hơn. Bởi vốn là người làm ăn, nên những giá trị quan trọng với ông là giá trị thực tế.

Và dù luôn lý trí, tỉnh táo, thế nhưng đến cuối cùng ông Luật cũng là người phải khóc và trăn trở rất nhiều. Ông tự trách mình vì đã bắt Vũ phải cưới một cách vội vã, cảm thấy tủi hổ vì không thể lo lắng được cho cu Bon và lo lắng sợ mối quan hệ với ông Sơn có chuyển biến xấu. Nhưng xét cho cùng, chẳng có ông bố bà mẹ nào sinh ra đã hoàn hảo. Và bố Luật cũng như bao người bố khác, luôn nỗ lực để đem đến điều tốt đẹp nhất cho con mình.

Ông Thống trong “Ngõ lỗ thủng”

Đây là một vai diễn điển hình mà NSND Trần Hạnh đảm nhận. Trong phim, ông Thống là một người cha già nghèo khổ, sống cả cuộc đời vất vả nuôi hai chị em Sương và Hạnh. Thế nhưng dù cố hết sức dạy con sống tử tế, hai đứa con ông vẫn lựa chọn một cuộc đời thực dụng, bất chấp tất cả để làm giàu.

Bi kịch của một người cha là bất lực nhìn các con dần tuột khỏi tay mình với lối tư duy thực dụng của lớp trẻ. Nỗi đau, niềm trăn trở của nhân vật đã được NSND Trần Hạnh thể hiện xuất sắc. Đây cũng là vai diễn giúp nghệ sĩ nhận được giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc năm 2010.

Anh Ba trong “Con gái yêu”

Rời bỏ hình tượng “cậu Ba” nóng tính của “Tiếng sét trong mưa”, Cao Minh Đạt hoá thân thành người cha dịu dàng hết mực yêu thương con. Bởi nhà nghèo, vợ mất sớm phải sống cảnh “gà trống nuôi con”, vai diễn anh Ba tiếp tục đối mặt với muôn vàn khó khăn khi chấp nhận rời xa con gái duy nhất lên thành phố mưu sinh. Bận rộn với công việc, anh phó mặc việc chăm nom bé Mơ cho mẹ già ở quê. Và việc không hay cuối cùng cũng xảy ra, bé Mơ bị kẻ xấu xâm hại.

Diễn xuất tài tình của Cao Minh Đạt đã lột tả được nỗi đau của người cha nghèo thương con, song không thể thay đổi được bi kịch của con gái mà chỉ đành căn răng trong nước mắt. Là một nhân vật hiền lành, tình cảm nhưng không hề nhu nhược, anh Ba trong phim vẫn không ngừng đấu tranh để đòi lại công bằng dù có muộn màng cho con gái nhỏ. Anh quyết định mang đơn đi kiện, bất chấp những đe doạ từ kẻ xấu và can ngăn của mẹ già vì sợ ảnh hưởng đến tương lai bé Mơ.

Nổi lên từ những vai diễn trong “Bến sông trăng”, “Lục Vân Tiên” hay “Tiếng sét trong mưa”, Cao Minh Đạt gần như được các đạo diễn “đo ni đóng giày” với hình ảnh phản diện, trả thù, toan tính, hại người. Chính vì vậy, sự trở lại khác biệt trong vai diễn anh Ba đã khẳng định tài năng diễn xuất linh hoạt, trở thành điểm sáng và như một luồng gió mới thổi vào sự nghiệp diễn xuất của nam diễn viên./.

Theo CTV Vân Khánh/VOV.VN - 22/3/2021

https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/bo-gia-va-nhung-ong-bo-quoc-dan-tren-phim-viet-844885.vov