Ngoại trưởng Trung Quốc tuần này có chuyến thăm tới một loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, giữa lúc căng thẳng với Mỹ, Australia, Ấn Độ và hàng loạt quốc gia ở châu Âu leo thang.
Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì dự cuộc họp với phái đoàn Mỹ tại Alaska ngày 18/3 (Ảnh: AFP).
Theo SCMP, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/3 đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 1 tuần tới Trung Đông, nơi ông dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran và tìm cách mở rộng các quan hệ đồng minh trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi của ông Vương Nghị là Ả rập Xê út. Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng sẽ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Oman trước khi quay trở lại Bắc Kinh vào ngày 30/3.
Theo cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ hướng đến mục tiêu "mở rộng quỹ đạo bạn bè của Trung Quốc và nâng cấp quan hệ với các quốc gia này".
"Trung Quốc muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng Trung Quốc vẫn là một nhân tố then chốt trong vấn đề hạt nhân Iran và sẽ không thể tìm ra giải pháp nếu không có sự tham gia của Trung Quốc", cựu Đại sứ Hua Liming cho biết.
Chuyến đi tới Trung Đông diễn ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc hội đàm căng thẳng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tại bang Alaska.
Bất chấp những mâu thuẫn sâu sắc, Ngoại trưởng Blinken cho biết hai bên có lợi ích chung trong các vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu.
Chuyến công du tới Trung Đông của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các đồng minh phương Tây và Trung Quốc leo thang, sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và Anh áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức EU.
"Trung Quốc có thể đang tìm kiếm một mặt trận thống nhất với các quốc gia có sự bất mãn tương tự để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây", Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh, nhận định.
Trong cuộc gặp ngày 23/3, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng thống nhất với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về việc "hợp tác cùng nhau để chống lại các lệnh trừng phạt".
Theo cựu Đại sứ Hua Liming, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng có thể nhân chuyến đi tới Trung Đông lần này để cảm ơn các quốc gia trong khu vực vì đã ủng hộ các chính sách của Trung Quốc về Tân Cương. Ông Hua nhận định, Trung Quốc rất "trân trọng" sự ủng hộ của các nước Trung Đông trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải hứng chịu các đòn trừng phạt tập thể từ phương Tây, và chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị là "cơ hội tốt để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn nữa" giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Jonathan Fulton, trợ lý giáo sư tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi, cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách ứng phó với các động thái của Washington.
"Chính quyền Biden đã cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia có cùng lập trường, do vậy Mỹ sẽ có cách tiếp cận chặt chẽ và quy củ hơn đối với Trung Quốc để đưa các giá trị quay trở lại chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này buộc Trung Quốc phải "phòng thủ". Chuyến đi của ông Vương Nghị tới Trung Đông đã mở ra cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các quốc gia có cùng mối lo ngại với Trung Quốc về định hướng chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden", chuyên gia Fulton nhận định.
Theo Diplomat, toàn bộ 6 quốc gia Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm trong tuần này đều ký thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc. Ngoài ra, một số nước khác trong khu vực cũng tham gia BRI gồm Iraq, Kuwait, Lebanon, Qatar và Yemen.
Trung Quốc và chính phủ các nước Trung Đông cũng đang tìm tiếng nói chung trong việc chống lại các cáo buộc của chính quyền Mỹ về vấn đề nhân quyền. Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói với người đồng cấp Ả rập Xê út Faisal bin Farhan Al Saud rằng, Bắc Kinh "ủng hộ các nỗ lực của Ả rập Xê út trong việc duy trì an ninh và ổn định, đồng thời phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, hành vi bắt nạt đơn phương và chủ nghĩa khủng bố".
Vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Vương Nghị đón tiếp người đồng cấp Iran Javad Zarif tại Bắc Kinh năm 2019 (Ảnh: Xinhua).
Ngoại trưởng Vương Nghị là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Iran kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2016. Chuyến đi của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đang bị đình trệ.
"Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc đạt được thỏa thuận năm 2015 với Iran và đã hợp tác với Mỹ trong vấn đề Iran", cựu Đại sứ Hua Liming cho biết thêm.
Trung Quốc đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cùng với Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Đức. Tuy nhiên Washington đã từ bỏ thỏa thuận này vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Tổng thống Joe Biden ra điều kiện rằng, Mỹ sẽ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran hành động trước bằng cách thực hiện các cam kết theo thỏa thuận. Tuy nhiên, Iran tuyên bố Washington phải hành động trước bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.
"Vấn đề Iran vẫn là lĩnh vực mà Trung Quốc và Mỹ có nhiều khả năng tìm kiếm hợp tác nhất, ngoài vấn đề biến đổi khí hậu", cựu Đại sứ Hua Liming nhận định.
Mặc dù vẫn có những căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác tại Trung Đông, song một số nhà phân tích, trong đó có Guy Burton, cho rằng nỗi lo ngại về việc Trung Quốc sẽ thế chân Mỹ tại Trung Đông "bị thổi phồng".
"Từ thời Obama, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã lo ngại về việc (Mỹ) rút khỏi Trung Đông và xoay trục sang châu Á sẽ để lại khoảng trống cho Trung Quốc. Tuy nhiên hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ xảy ra", chuyên gia Burton nhận định.
Theo Thành Đạt Tổng hợp/dantri.com.vn - 25/3/2021
https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-tim-loi-thoat-giua-vong-vay-trung-phat-cua-phuong-tay-20210325092619415.htm