Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi các công ty quốc tế xem xét cắt quan hệ với các doanh nghiệp ủng hộ quân đội Myanmar.
Người biểu tình tại thành phố Yangon, Myanmar ngày 28/3 (Ảnh: Reuters).
"Một số quốc gia và một số công ty ở nhiều nơi trên thế giới đã đầu tư đáng kể vào các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar. Họ nên xem xét lại các khoản đầu tư đó và cân nhắc vấn đề này như một biện pháp từ chối cung cấp cho quân đội Myanmar sự hỗ trợ tài chính mà lực lượng này cần để kéo dài hành vi chống lại nguyện vọng của người dân", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói tại cuộc họp báo ngày 30/3.
Theo Ngoại trưởng Blinken, chính quyền quân sự Myanmar đang gây ra tình trạng bạo lực "đáng bị chỉ trích", theo chiều hướng "ngày càng đáng lo ngại và thậm chí là bạo lực kinh hoàng" nhằm vào người biểu tình. Ông Blinken nói rằng trong số những người thiệt mạng, có nạn nhân chỉ mới 5 tuổi.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết 521 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar tính đến tối ngày 30/3. AAPP cảnh báo con số thương vong trên thực tế thậm chí còn cao hơn.
Myanmar cuối tuần qua ghi nhận đợt biểu tình đẫm máu nhất khi có tới hơn 100 người thiệt mạng vào ngày 27/3, bao gồm trẻ em từ 10-16 tuổi. Ngày 30/3, ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 29/3 tuyên bố dừng Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 (TIFA) với Myanmar cho đến khi quyền lực tại nước này "trở về một chính phủ được bầu cử dân chủ". Thỏa thuận này cho phép Mỹ hợp tác với Myanmar về thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ Myanmar trong việc hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối hai tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội Myanmar, cấm các công ty và cá nhân ở Mỹ giao dịch với hai doanh nghiệp này. Tuy nhiên, một số công ty, trong đó có các doanh nghiệp tại các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn có quan hệ làm ăn với các công ty thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.
Nhật Bản ngày 30/3 thông báo dừng cung cấp các khoản viện trợ mới cho Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự tại nước này. Hiện có khoảng 450 công ty Nhật Bản tại Myanmar và Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Myanmar.
"Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ kinh tế lớn nhất cho Myanmar, nhưng chúng tôi hiện không có bất kỳ dự án mới nào", Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói.
Ông Motegi cho rằng so với các lệnh trừng phạt, việc dừng viện trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ hiệu quả hơn trong việc gây sức ép với Myanmar.
Mỹ rút bớt nhân viên chính phủ khỏi Myanmar
Theo thông báo về việc khuyến cáo đi lại của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/3, Washington đã chỉ đạo các nhân viên chính phủ không giữ nhiệm vụ khẩn cấp rời khỏi Myanmar cùng các thành viên trong gia đình, do tình hình bạo lực leo thang tại quốc gia Đông Nam Á.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 2 từng cho phép các nhân viên chính phủ không giữ nhiệm vụ khẩn cấp được tình nguyện rời khỏi Myanmar cùng người thân.
Nhà Trắng ngày 29/3 đã lên án việc chính quyền quân sự Myanmar trấn áp người biểu tình khiến nhiều người thiệt mạng, đồng thời kêu gọi Myanmar khôi phục lại nền dân chủ.
Theo Thành Đạt (nguồn Reuters, AFP) - 31/3/2021
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-nhat-lien-tiep-giang-don-quan-doi-myanmar-20210331070612391.htm