Mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục. Mô hình nhằm lan tỏa những giá trị: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng” trong các nhà trường.Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mô hình này và bước đầu đã đem lại chuyển biến tích cực trong việc tăng cường mối quan hệ, chia sẻ giữa thầy cô và học sinh.
Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Khi có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để học sinh không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội. Ở mỗi giai đoạn, độ tuổi, trường học hạnh phúc được xây dựng theo những phươngpháp khác nhau. Đối với bậc học mầm non, trường học hạnh phúc được hiểu đơn giản là các con trẻ yêu thầy mến bạn, thích được đến lớp, thích được chia sẻ.
Ở lứa tuổi dậy thì, lượng kiến thức cần học tăng lên, áp lực thi cử học hành, cộng với những thay đổi lớn lao về tâm sinh lý, học sinh sẽ dễ rơi vào trầm cảm, stresst. Nếu được lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ từ các thầy cô, bạn bè thì chắc chắn trường học sẽ là nơi lan tỏa những điều yêu thương.
Xây dựng môi trường học tập nhân văn, thân thiện, tiến bộ, khoa học là điều cần thiết để thực thi trường học hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần sự kiên trì, nỗ lực, sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng./.
Hà Lý