24 năm sau ngày mất của Trịnh Công Sơn, âm nhạc của ông không những không lùi xa mà còn có cơ hội “sống mới” trong lòng người trẻ. Việc TLinh, Thể Thiên và nhiều nghệ sĩ Gen Z thể hiện nhạc Trịnh là minh chứng rõ ràng cho sức sống của một dòng nhạc không phụ thuộc vào thời gian hay tuổi tác.
Hai đêm nhạc "Em còn nhớ hay em đã quên" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 29 và 30/3 vừa qua đã khép lại trong không khí lắng đọng. Sự kiện do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức, nhân dịp tưởng niệm 24 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2025), quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Lam, Đức Tuấn, Bùi Lan Hương, Minh Thu, Tuấn Hiệp, Lô Thủy... Tuy nhiên, điều được khán giả chú ý đặc biệt trong chương trình năm nay là sự xuất hiện của hai nghệ sĩ trẻ: TLinh và Thể Thiên.

TLinh và Thể Thiên hát nhạc Trịnh trong đêm nhạc "Em còn nhớ hay em đã quên"
Đây là lần đầu tiên TLinh – nghệ sĩ Gen Z nổi tiếng với phong cách rap, R&B hiện đại – góp mặt trong một chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trong phần trình diễn của mình, TLinh không thay đổi nhiều về hòa âm hay nhịp điệu, thay vào đó cô giữ tinh thần ca khúc gốc và sử dụng chất giọng riêng để tạo nên màu sắc mới. Cách thể hiện này được nhận xét là tiết chế, tôn trọng, và tạo được sự kết nối với khán giả trẻ mà không phá vỡ cảm xúc vốn có trong nhạc Trịnh.
Thể Thiên – cháu trai của cố nhạc sĩ – cũng lần đầu đứng trên sân khấu lớn biểu diễn nhạc Trịnh. Anh được đào tạo thanh nhạc bài bản, chọn cách thể hiện mộc mạc, gần gũi. “Với tôi, Trịnh Công Sơn không chỉ là người thân mà còn là một phần văn hóa trong gia đình. Hát nhạc của ông là cơ hội để tôi hiểu hơn về chính mình và truyền thống gia đình”, Thể Thiên chia sẻ.
Thể Thiên đã mang đến một phiên bản mới lạ của ca khúc “Diễm xưa” với phong cách nhạc điện tử, kết hợp các âm thanh như tiếng mõ, tiếng chuông trên nền EDM, nhận được nhiều tràng vỗ tay từ khán giả. TLinh cùng Thể Thiên song ca “Ở trọ”, “Nhớ mùa thu Hà Nội” thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa rap và nhạc Trịnh. Màn trình diễn này mang đến màu sắc tươi mới nhưng vẫn giữ được tinh thần nguyên bản của tác phẩm.
Nhạc Trịnh không chỉ dành cho thế hệ cũ
Việc hai nghệ sĩ trẻ góp mặt trong đêm nhạc Trịnh được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy nhạc Trịnh đang tiếp tục được thế hệ mới đón nhận. Trong nhiều năm qua, nhạc Trịnh thường gắn liền với những giọng ca kỳ cựu hoặc khán giả trung niên, nhưng thực tế cho thấy điều này đang dần thay đổi.

TLinh không phải nghệ sĩ trẻ duy nhất thể hiện nhạc Trịnh theo cách riêng. Trước đó, nhiều gương mặt khác như Mỹ Anh, Hoàng Dũng, Miu Lê, Hà Lê, Thái Đinh, Hoàng Trang… cũng đã thử sức với các ca khúc nổi tiếng như "Diễm xưa", "Cát bụi", "Ru ta ngậm ngùi", "Tình nhớ", "Biển nhớ"… Những bản cover này xuất hiện trên YouTube, TikTok và cả các sân khấu biểu diễn trực tiếp, thu hút sự quan tâm từ đông đảo người nghe trẻ tuổi.
Trên Spotify, các playlist như "Trịnh cho ngày mưa", "Nghe Trịnh một mình", "Tình ca Trịnh và em" vẫn được chia sẻ và cập nhật thường xuyên. Những playlist này thường do người trẻ tự tạo, với ảnh bìa đơn giản, chú thích ngắn gọn, thể hiện cách họ tiếp cận âm nhạc Trịnh Công Sơn: bình thường, tự nhiên và không nặng tính biểu tượng.

Thể Thiên đã mang đến một phiên bản mới lạ của ca khúc “Diễm xưa”
Hà Lê – rapper và ca sĩ thuộc thế hệ 8X – là một trong những người đầu tiên thử nghiệm làm mới nhạc Trịnh theo hướng hiện đại hóa. Năm 2019, anh phát hành dự án "Trịnh Contemporary" với các bản phối hoàn toàn mới. Tuy cách làm của Hà Lê từng gây tranh cãi, nhưng anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình. “Tôi đã thử nghiệm remake nhạc của nhiều nhạc sĩ, nhưng chỉ khi đến với nhạc Trịnh, tôi mới tìm được sự đồng cảm sâu sắc. Càng nghe, càng thử nghiệm, tôi càng thấy đồng điệu trong tâm hồn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, Hà Lê nói.
Không phá vỡ nguyên bản, cũng không rập khuôn, cách làm của Hà Lê mở ra nhiều hướng đi cho những nghệ sĩ trẻ sau này. Họ có thể giữ lại tinh thần nhạc Trịnh, nhưng đưa vào đó hơi thở, tiết tấu, cách hát của thời đại mình.
Anh chia sẻ: "Để bảo tồn và lưu truyền được những giá trị đấy, cần nhiều hơn một Hà Lê. Tôi nghĩ mình chỉ là người truyền cảm hứng, để cho các bạn trẻ tiếp cận được với nhạc Trịnh, để rồi sau đó họ sẽ có những cảm nhận, trải nghiệm riêng. Các bạn sẽ tạo ra những không gian nhạc Trịnh khác. Đấy là điều tôi hy vọng và mong muốn. Nhạc Trịnh là một thứ âm nhạc không phải đơn giản là chỉ cất giọng hát lên là được. Bạn phải yêu tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, phải sống, trải nghiệm cuộc đời của bạn thì mới có thể hiểu được nhạc Trịnh.
Việc các bạn Gen Z làm chưa thành công hoặc có nhiều ý kiến trái chiều tôi nghĩ vì các bạn còn trẻ, cảm nhận của các bạn về bài hát chỉ dừng ở mức độ đó thôi. Tôi tin chắc rằng khi giai điệu, ca từ ấy đã vào ngấm vào trong người các bạn, cũng giống như tôi từ bé đã được tiếp cận qua bà, qua mẹ, đến khi mình đã sống, trải nghiệm rồi, lời hát đấy tự nhiên có ý nghĩa sâu sắc hơn hẳn. Cái này cần thời gian. Các bạn có sự khởi đầu như thế đã là cái duyên rồi. Một vài năm nữa khi các bạn lớn hơn, trải nghiệm nhiều hơn, đời sống tinh thần của các bạn phong phú hơn, chắc chắn các bạn hát nhạc Trịnh với một tâm thế khác".
Gia đình nhạc sĩ ủng hộ thế hệ mới
Trước những luồng ý kiến trái chiều xung quanh việc người trẻ hát nhạc Trịnh, bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – bày tỏ sự ủng hộ. Trong đêm nhạc Trịnh tại Nhà hát Lớn, bà chia sẻ: “Nhạc Trịnh không chỉ là những giai điệu, mà còn là tâm hồn, triết lý sống của anh Sơn. Chúng tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ có thể tiếp nối và lan tỏa giá trị âm nhạc ấy theo cách riêng của họ”, bà chia sẻ.
Với gia đình cố nhạc sĩ, việc người trẻ quan tâm, yêu thích và thể hiện nhạc Trịnh là một cách để di sản được tiếp nối tự nhiên, không cần gò ép, không áp đặt.

Hà Lê hát nhạc Trịnh
Trong bối cảnh âm nhạc thị trường phát triển nhanh với nhiều xu hướng sôi động, sự trở lại của nhạc Trịnh trong đời sống người trẻ tạo ra một đối trọng đáng chú ý. Những ca từ giản dị, những giai điệu chậm rãi, những câu hát chất chứa triết lý sống – tất cả tạo nên một khoảng lặng cần thiết giữa đời sống số ồn ào.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn nhạc Trịnh để nghe khi học bài, thư giãn, hoặc đơn giản là khi cảm thấy mất phương hướng. Có người chưa hiểu hết ý nghĩa của lời ca, nhưng cảm được không khí âm nhạc. Có người bắt đầu từ bản cover của TLinh, rồi tìm nghe bản gốc do Khánh Ly hát.
Không cần nhiều lời giải thích, âm nhạc tự nó đã kết nối được thế hệ mới với những điều cũ. Và nhạc Trịnh, bằng cách nào đó, vẫn có chỗ đứng vững vàng trong thói quen nghe nhạc của người trẻ, dù họ có thể không gọi tên rõ ràng điều mình tìm kiếm.
Với những gì đang diễn ra, nhạc Trịnh không còn là “di sản để trưng bày”, không chỉ là chất liệu để tưởng niệm mỗi dịp 1/4. Nó đang tiếp tục được sống, được hát, được cảm – trong chính đời sống hàng ngày.
Thể hiện nhạc Trịnh bây giờ không còn là “đặc quyền” của những người từng sống cùng thời với Trịnh Công Sơn. Giới trẻ hoàn toàn có thể tiếp cận kho tàng này bằng sự nhạy cảm riêng, với cách hiểu riêng, miễn là họ đến với âm nhạc bằng thái độ tôn trọng.

Trong đêm nhạc Trịnh tại Nhà hát Lớn, bà chia sẻ: “Nhạc Trịnh không chỉ là những giai điệu, mà còn là tâm hồn, triết lý sống của anh Sơn. Chúng tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ có thể tiếp nối và lan tỏa giá trị âm nhạc ấy theo cách riêng của họ”, bà chia sẻ.
Dù hát bằng giọng mộc, phối lại theo phong cách mới, hay chỉ đơn giản là nghe lại bản gốc trên điện thoại, người trẻ vẫn đang tiếp tục duy trì mối dây cảm xúc giữa nhạc Trịnh và đời sống hiện tại.
24 năm sau ngày mất của Trịnh Công Sơn, âm nhạc của ông không những không lùi xa mà còn có cơ hội “sống mới” trong lòng người trẻ. Việc TLinh, Thể Thiên và nhiều nghệ sĩ Gen Z thể hiện nhạc Trịnh là minh chứng rõ ràng cho sức sống của một dòng nhạc không phụ thuộc vào thời gian hay tuổi tác.
Khi người trẻ còn hát nhạc Trịnh, điều đó đồng nghĩa di sản ấy vẫn đang được giữ gìn. Và nếu được giữ bằng sự cảm nhận thật lòng, sự thử nghiệm nghiêm túc, thì những bản tình ca Trịnh Công Sơn sẽ tiếp tục sống thêm nhiều thế hệ nữa – không chỉ trong ký ức, mà cả trong hiện tại.
Hà Phương/VOV.VN
Ảnh: Vũ Toàn
https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/gen-z-hat-nhac-trinh-cong-son-su-tiep-noi-tu-nhien-cua-mot-di-san-post1188464.vov