Sự phát triển của mạng Internet ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của mọi nhà, mọi người, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em. Bên cạnh nhiều tiện ích thì môi trường mạng cũng mang đến nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ.
“Thử thách 24h làm chó”, “Thử thách 24h làm heo”, “Thử thách 24h sống trong quan tài”, hay “Thả 100 cái dao trên cao xuống” khiến người lớn khi xem cũng phải rùng mình. Gần đây nhất, clip "xin vía học giỏi" từ búp bê Kumanthong của Youtuber Thơ Nguyễn với những nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và toàn xã hội phải bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại, khó kiểm soát trên mạng xã hội và các nền tảng số. Những hình ảnh mất an toàn vệ sinh thực phẩm, trái với thuần phong mỹ tục trong các clip trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người xem, đặc biệt là các em nhỏ, bởi nó tạo ra những nhận thức lệch lạc cho các em. Câu hỏi đặt ra là: Phải làm gì để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng?
Đừng chỉ đổ lỗi cho những clip như trường hợp của Thơ Nguyễn hay Hưng Vlog nếu bản thân chúng ta không tự nhận ra phụ huynh chính là những người đầu tiên có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những điều không có ích trên môi trường mạng. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và trẻ em không thể đứng ngoài thế giới của Internet. Do vậy, rất cần một cơ chế sàng lọc kiểm soát thông tin độc hại đối với trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan quản lý công nghệ thông tin, nhà trường và quan trọng hơn cả là mỗi gia đình./.
Thu Thủy