“Thêm một người nhặt rác, bớt đi một người xả rác” là phương châm hành động của nhóm “Tử tế với môi trường Quảng Ngãi”. Từ những việc làm đơn giản, ai cũng có thể tham gia, sau thời gian phát động, cả cộng đồng chung tay hành động làm sạch môi trường sông biển.
Tranh thủ 2 ngày cuối tuần (10, 11/4), gần 1.000 người, không kể tuổi tác từ khắp nơi đổ về khu vực cửa biển Sa Kỳ, thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi để nhặt rác, dọn dẹp bãi biển. Từ trẻ nhỏ đến người già, từ thanh niên đến phụ nữ, các chiến sĩ bộ đội, công an… đã chung tay thu gom hàng chục tấn rác thải dọc bờ biển. Đó là những tình nguyện viên tham gia lễ ra quân Dự án “Tử tế với Sa Kỳ” với mong muốn làm cho bãi biển sạch hơn, môi trường biển trong lành hơn.
Bà Nguyễn Thị Loan, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ cho biết: “Hàng năm, có một lần ra quân như thế này là rất tốt. Nhưng không hiểu nguồn rác ở đâu chứ còn ở đây, mỗi nhà đều có mỗi thùng rác. Rác chủ yếu là bao nilon, không biết ở đâu trôi tới”.
Dự án Tử tế với Sa Kỳ bao gồm nhiều hoạt động thiết thực chung tay vì môi trường
Cửa biển Sa Kỳ nằm tại hạ nguồn sông Bài Ca đổ ra biển. Nơi đây hứng một lượng rác thải khổng lồ từ khắp nơi dồn về. Rác nằm vương vãi trên bờ, dưới nước, bị vùi sâu dưới đất từ năm này qua năm khác.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết, rác thải tràn ngập là điều nhức nhối tại địa phương từ nhiều năm nay.
“Mặc dù địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân, nhưng so với hình thức, dự án lần này rất quy mô, hiệu triệu sự đồng lòng, chung sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kể cả bà con quê hương Tịnh Kỳ. Quy mô rất bài bản, không những dọn rác trên bề mặt, mà còn xới cả phần rác dưới lòng đất để làm sạch bãi biển. Qua việc làm này sẽ làm cho môi trường trên địa bàn xã xanh, sạch, đẹp hơn, trong lành hơn”, ông Thanh cho hay.
Người dân cùng các lực lượng tham gia dọn rác
Dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Kỳ” do nhóm cá nhân thực hiện chương trình “Tử tế với môi trường Quảng Ngãi” phát động tiếp sau thành công của các dự án “Tử tế với Sa Cần” và “Tử tế với sông Trà Bồng. Thông qua việc kêu gọi sự chung tay, góp sức bằng nhiều hình thức của cộng đồng, dự án xác định người dân chính là đối tượng trung tâm của câu chuyện chống rác thải nhựa đại dương.
Theo ông Huỳnh Văn Thương, người tham gia Nhóm “Tử tế với môi trường Quảng Ngãi”, mỗi người tham gia đồng hành với dự án đều tâm nguyện làm sạch môi trường sông, biển.
“Thêm một người nhặt rác thì sẽ bớt đi một người xả rác. Mỗi người tham gia buổi ra quân như thế này cùng nhau tuyên truyền câu chuyện “Tử tế với Sa Kỳ”, câu chuyện về chống rác thải nhựa, cùng lan tỏa. Mỗi người có một trách nhiệm riêng”, ông Thương chia sẻ.
Hàng chục tấn rác thải được thu gom đưa đi xử lý
Chưa bao giờ, một dự án xã hội hóa tại tỉnh Quảng Ngãi lại nhận được sự hưởng ứng, chung tay của đông đảo người dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội đến vậy. Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền, mỗi cá nhân bằng hành động nhỏ, người góp công, góp kinh phí, vật dụng hay chỉ bằng một cái nhấp chuột… tất cả góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chống lại rác thải nhựa.
Bà Lê Thị Mỹ Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Để giữ gìn môi trường biển trong sạch theo hướng phát triển vùng ven biển bền vững, đầu tiên, chúng ta thực hiện những việc nhỏ nhất mà mọi người không để ý tới. Đầu tiên là việc nhặt rác trên bãi biển, để tạo tiền đề, nâng cao nhận thức, ý thức để người dân phải làm sao trả lại bờ biển trong sạch; tuyên truyền, vận động, truyền thông về môi trường cho khách du lịch; tuyên truyền ngư dân khai thác, bảo vệ bờ biển trong lành hơn"./.
Theo Vinh Thông/VOV-Miền Trung - Ngày 12/4/2021
https://vov.vn/xa-hoi/them-mot-nguoi-nhat-rac-bot-di-mot-nguoi-xa-rac-849582.vov