Đây chính là bức tranh về thực tế và tương lai ở Việt Nam nếu không có những hành động vì khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường những nỗ lực thích ứng.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên làm vệ sinh bãi biển Lộc Hà, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Sáng 29/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến Lễ công bố Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” và đối thoại với Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên vì khí hậu” (Youth4Climate) do UNDP Việt Nam phát động năm 2020, nhằm tăng cường năng lực và nhận thức cho thanh niên về việc thực hiện nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, cập nhật NDC năm 2020 của Chính phủ Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu có quá trình chuẩn bị, thực hiện công phu với những nội dung thiết thực, đúc rút ra từ hoạt động thực tế của đội nhóm thanh niên các vùng, miền trên khắp Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua và được lấy ý kiến rộng rãi thanh niên cả nước.
Nội dung của Báo cáo trình bày một cách khoa học, rõ ràng, hấp dẫn với người đọc, sử dụng lời văn, câu chuyện và ý tưởng của Nhóm viết báo cáo là những thanh niên tham gia chuỗi chương trình tham vấn thuộc sáng kiến Youth4Climate, qua đó truyền thêm cảm hứng hành động mạnh mẽ hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Báo cáo này thuộc chương trình “Lời hứa khí hậu” của UNDP với nguồn tài trợ từ Chính phủ các nước Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy và Liên minh châu Âu cùng các nhà tài trợ khác của UNDP.
Báo cáo gồm 56 trang, chia ra làm 13 đề mục chính, với 6 nhóm chủ đề: Nút thắt và hướng giải quyết chung; Giảm nhẹ và phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Giải pháp dựa vào thiên nhiên; Chính sách biến đổi khí hậu; Lộ trình hành động của thanh niên.
Ở mỗi nhóm chủ đề, các tác giả đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan.
Theo Báo cáo, có bốn nút thắt lớn nhất thanh niên gặp phải trong tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu là hạn chế về kỹ năng, công nghệ, kỹ thuật, hợp tác với các bên liên quan và năng lực tài chính.
Từ đó, Báo cáo đề xuất: xây dựng Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu để kết nối các dự án thanh niên với nhau; Tạo ra cổng thông tin điện tử phục vụ các đội nhóm thanh niên hoạt động trong mảng khí hậu hoặc quan tâm đến biến đổi khí hậu.
Báo cáo cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể với các nhà hoạch định chính sách về biến đổi khí hậu; Đoàn Thanh niên; Chính quyền địa phương; các nhà khoa học; các tổ chức phát triển và xã hội.
Phát biểu tại Lễ công bố, bà Caitlin Wiesen-Antin, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cảnh báo, nếu chúng ta không có những tác động, ứng phó gì với biến đổi khí hậu thì mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao 1m; xuất hiện thường xuyên, nhiều hơn những đợt nắng nóng khắc nhiệt, ảnh hưởng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những cộng đồng ở vùng ven biển.
Đây chính là bức tranh về thực tế và tương lai ở Việt Nam nếu không có những hành động vì khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường những nỗ lực thích ứng.
Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, thanh niên ở Việt Nam là một trong những đối tượng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và thanh niên là thế hệ vô cùng quan trọng trong tiến trình hành động vì khí hậu.
Các đoàn viên, thanh niên ra quân dọn sạch bãi biển tại Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Do đó, UNDP đã hỗ trợ các bạn thanh niên viết Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, với sự tham gia của hàng nghìn các bạn trẻ vào quá trình này, cũng như có những đóng góp tích cực vào tiến trình của COP26.
Bà Caitlin Wiesen-Antin nhấn mạnh, Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu là dấu mốc vô cùng quan trọng, thể hiện sự đóng góp tích cực của thanh niên Việt Nam cho những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở trong nước cũng như quy mô toàn cầu.
Báo cáo góp phần thực hiện các hành động vì khí hậu cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để các bên liên quan tiếp cận những công nghệ bảo vệ môi trường cũng như nguồn tài chính; qua đó giải quyết những nút thắt, rào cản và xây dựng lộ trình thúc đẩy những hành động vì khí hậu do thanh niên thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2025.
Chia sẻ ý kiến với bà Caitlin Wiesen-Antin, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh, là một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn và là nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị.
Việt Nam là một bên thông qua Thỏa thuận Paris vào năm 2015; phê duyệt Thỏa thuận này vào năm 2016 đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris với 68 nhóm nhiệm vụ để các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức triển khai thực hiện cho đến năm 2030 và sau đó.
Việt Nam đã sớm gửi Liên hợp quốc đóng góp theo NDC và đưa nội dung này vào Luật để tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét kỹ lưỡng các khuyến nghị của thanh niên trong báo cáo đặc biệt này và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Với lực lượng đông đảo 24 triệu người/100 triệu dân, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương nhấn mạnh thanh niên Việt Nam là lực lượng rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu.
Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, thời gian qua, Đoàn Thanh niên rất chú trọng các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tạo thành trào lưu tốt trong toàn xã hội như chương trình: Vì một Việt Nam xanh hưởng ứng lời kêu gọi trồng mới 1 tỷ cây cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; “Hành trình thứ hai của lốp xe” tái chế lốp xe thành trò chơi cho trẻ em... và mới đây là Cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu.
Bày tỏ vui mừng khi được tham dự trực tiếp Lễ công bố và đối thoại với thanh niên Việt Nam, Chủ tịch chỉ định Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) Alok Sharma cho rằng Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu có nội dung hấp dẫn, là tiếng nói từ trái tim của thanh niên.
Chủ tịch COP 26 nhấn mạnh tương lai của Việt Nam đang nằm trong tay thế hệ trẻ vì vậy tiếng nói của thanh niên cần phải được các nhà lãnh đạo lắng nghe một cách rõ ràng.
Nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu là không có biên giới, Chủ tịch COP 26 kêu gọi các quốc gia, trong đó có Việt Nam cùng chung tay, hành động tập thể giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Việt Đức (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 29/5/2021
https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-bao-cao-dac-biet-thanh-nien-viet-nam-hanh-dong-vi-khi-hau/716205.vnp