Thủ tướng cho biết, trong lúc "nước sôi lửa bỏng", việc sản xuất vắc xin nội phòng Covid-19 cần phải chạy chứ không đi từng bước. Các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn về tài chính và thủ tục.
Sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính Phủ đã làm việc với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, thuộc khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức, TPHCM).
Tại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đơn vị làm rõ thêm một số vấn đề, như: vắc xin phòng Covid-19 nội sử dụng công nghệ nào, chuyển giao từ đâu và độ tin cậy ra sao.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đơn vị sản xuất lưu tâm đến khâu nguyên liệu đầu vào, chất lượng vắc xin, giá thành và số lượng sản xuất mỗi tháng, nếu nghiên cứu thành công.
"Vắc xin có tính chất quyết định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta thấy nước nào tiêm được vắc xin, cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường. Với việc sản xuất được vắc xin nội, ngoài giá thành giảm, còn khiến cả nước chủ động hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại TPHCM sáng 26/6.
Báo cáo tại buổi họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vắc xin của Nanogen đang thực hiện chưa phải công nghệ đỉnh cao nhất nhưng cũng tương đối tốt so với thế giới. Hiện tại, khoảng 130 loại vắc xin sử dụng công nghệ này ở các giai đoạn khác nhau.
"Loại vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ này nhiều khả năng được đăng ký và cấp phép bởi Tổ chức Y tế thế giới là vắc xin Nanovax của Mỹ. Công nghệ này có ưu việt là không gây phản ứng phụ, mặt khác cũng có một số hạn chế nhất định", Bộ trưởng Y tế nói.
Để rút ngắn thời gian nghiên cứu vắc xin do Nanogen đang nghiên cứu, Bộ Y tế đã cắt bỏ tất cả thủ tục hành chính để đi thẳng vào các vấn đề chuyên môn.
Cụ thế, Bộ Y tế và Hội đồng Y đức đã thống nhất triển khai giai đoạn 3 vào cuối giai đoạn 2, từ ngày 11/6 tới nay. Khoảng 1.000 người đã được tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên.
TPHCM đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử từ ngày 19/6 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc sản xuất vắc xin phải tuân thủ đúng quy trình của thế giới và Việt Nam vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Việc nghiên cứu, sản xuất cần chặt chẽ, an toàn, có tính khoa học, đặc biệt là hiệu quả và chi phí chấp nhận được.
"Tinh thần của chúng ta phải đẩy nhanh hơn các quy trình. Thay vì đi từng bước, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này chúng ta phải chạy. Công ty đã sẵn sàng, chủ động, tự túc kinh phí, các bộ, ngành phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan tài chính, thủ tục liên quan", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Công ty Nanogen đã chủ động đi thẳng vào vấn đề đất nước đang cần là sản xuất vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ nhân dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ làm việc với các nhà sản xuất, nhà khoa học, chuyển giao, phân phối, để giải quyết những ách tắc đang tồn tại trong sản xuất vắc xin phòng Covid-19.
"Từ nay đến tháng 9, sự khan hiếm vắc xin Covid-19 sẽ diễn ra trên toàn cầu, không riêng Việt Nam. Chúng ta đã tiếp cận các kênh có thể, mặt khác, cần nguồn vắc xin sản xuất trong nước để chủ động trước diễn biến dịch Covid-19", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Theo Quang Huy/dantri.com.vn - Ngày 26/6/2021
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-nuoc-soi-lua-bong-the-nay-can-phai-chay-de-san-xuat-vac-xin-20210626122022807.htm