Cập nhật: 05/07/2021 08:03:00
Xem cỡ chữ

Đến với huyện đảo Trường Sa, chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên, thích thú, bởi “lạc” giữa màu xanh sẫm bao la của biển cả là tấm áo xanh màu lá trên các hòn đảo. Đó là những vườn rau xanh mướt, những khuôn viên, vườn hoa và con đường rợp bóng cây xanh... Sự hòa quyện của những màu xuân sắc ấy khiến người lần đầu đến đây như lạc vào miền cổ tích...

Chăm cây hoa như... chăm em bé

“Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang”, câu hát trong bài hát “Bâng khuâng Trường Sa” mà chúng tôi được nghe trên tàu trong suốt hành trình vẫn chưa đủ để nói hết vẻ đẹp của hòn đảo nổi An Bang. Phải ví vẻ đẹp ấy như một miền cổ tích mới đúng. Không biết đã phải tốn bao mồ hôi, công sức để đảo đá san hô cằn cỗi trở nên xanh mướt, tuyệt đẹp như bây giờ. Trước đây, An Bang còn có tên khác là “đảo Lò Vôi” vì khí hậu nóng bức quanh năm. Nhưng giờ đây, nhìn từ vị trí neo tàu, hòn đảo đẹp thơ mộng với doi cát như chiếc khăn lụa trắng tinh khôi vắt ngay chân đảo. Doi cát này được bộ đội gọi vui là đồng hồ cát vì nó di chuyển theo mùa, cứ hết một vòng quanh đảo là tròn một năm. Những đợt sóng xô vào chân đảo tung bọt trắng xóa, nước biển trong veo xanh màu ngọc bích. Khung cảnh ấy giống như nơi ở của các nàng tiên cá trong truyện cổ tích. Nhưng "nàng tiên cá" ở đây là những người lính biển, da đen bóng, rắn rỏi đang ngày đêm canh trời, giữ đảo. Ngoài thực hiện nhiệm vụ, những giờ nghỉ, họ dành hết tâm huyết cho những chậu cây, khóm hoa. Ươm trồng, vun xới, tưới tắm, cắt tỉa rồi hồi hộp đón đợi từng mầm non nhú lên, từng nụ hoa hé nở. Giữa đại dương mênh mông, xa gia đình, người thân nên cây cối cũng giống như những người bạn thân tình của bộ đội. Ở đảo An Bang, những chậu hoa sứ có màu sắc rực rỡ hơn bất cứ nơi nào tôi từng thấy. Dường như cây đã gom hết cái nắng, cái gió của biển cả, dồn vào những bông hoa để đền đáp công chăm sóc của con người.

Nếu như đảo An Bang với vẻ đẹp nên thơ say lòng người thì đảo Sinh Tồn lại mang đến cảm giác bình yên, thư thái. Đi trên con đường rợp bóng những cây bàng gốc cổ thụ xù xì, với từng chùm quả vuông nằm e ấp trong tán lá, lại nghe tiếng ê a của trẻ đọc bài trong lớp vọng ra... khiến nhiều thành viên đoàn công tác thốt lên: “Bình yên quá!”. Đại tá Trần Công Thắng, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền đặc biệt, Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị) đã ra Trường Sa 3 lần, nhưng vẫn mê đắm với cảnh đẹp ở đây. Anh tâm sự, mỗi lần ra đảo lại càng thấy yêu quê hương đất nước mình hơn...

Bài 2: Sắc hoa giữa điệp trùng xanh

Đại úy QNCN Hoàng Như Thảo hướng dẫn chiến sĩ cách chiết cành cây tra.  

Tại các đảo chìm, việc trồng cây không thuận lợi như đảo nổi nhưng bộ đội vẫn có cách “xanh hóa” những triền san hô, “mềm hóa” những bức tường thô cứng bằng các chậu cây, khóm hoa rực rỡ. Hoa giấy, hoa sứ, hoa mười giờ và cả hoa lan-loài hoa đỏng đảnh, khó tính, ưa khí hậu ẩm lạnh cũng đua sắc giữa nắng gió khắc nghiệt đảo chìm. Mặc cho nắng thiêu, mặc cho gió táp, hoa vẫn nở ở mọi góc, khoe sắc giữa biển cả bao la.

- Để những chậu hoa đẹp thế này, có mất nhiều công sức chăm sóc không đồng chí?-Tôi hỏi chiến sĩ Trần Quốc Long ở đảo Tốc Tan A khi thấy anh đang kéo tấm lưới chắn nắng cho mấy giò lan tím.

- Ở đây chăm sóc hoa như chăm em bé đó chị!

Câu ví von dí dỏm của cậu chiến sĩ đủ giúp tôi hình dung ra quá trình ươm trồng, chăm sóc hoa của bộ đội đảo xa kỳ công như thế nào. Nhiệm vụ nặng nề, huấn luyện thường xuyên, trực gác vất vả là thế, nhưng các chiến sĩ hải quân vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Họ gửi tâm hồn lãng mạn vào những mầm cây, khóm hoa; chắt chiu từng chút đất để ươm trồng rồi dày công chăm chút, nâng niu, che chắn... "Khi trời nắng rát, gió táp là sẵn sàng ôm hoa vào phòng ngủ để giữ ẩm chị ạ!", chiến sĩ Trần Quốc Long tâm sự.

Ươm mầm xanh trên cát trắng 

Không chỉ được ngắm hoa, ra Trường Sa, chúng tôi còn lạ với những vườn rau xanh tốt hơn cả trong đất liền. Mùa hè nắng nóng, trồng rau cải đã là rất khó ở trong đất liền vì đây là rau vụ đông. Vậy nhưng giữa đảo xa nắng thiêu, gió muối mà những luống rau cải vẫn xanh mướt, lá dài đến hai gang tay. Ngoài ra, rau dền, rau lang, đậu và các loại rau gia vị như: Mùi tàu, tía tô, lá lốt, húng quế, sả, ớt cũng đủ đầy. Rồi những giàn bầu, giàn mướp quả mơn mởn buông dài, đu đủ sai lúc lỉu... Trên đảo Cô Lin, không hiểu bộ đội chăm bằng cách nào mà rau mồng tơi có lá... như chiếc quạt. Đại tá Nguyễn Như Hải, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân khi vào vườn đã bỏ chiếc mũ cối đang đội trên đầu ra “đọ” với lá mồng tơi, rồi anh kể: Trước kia, rau xanh là “đặc sản” của Trường Sa vì quá hiếm hoi, khó trồng. Nhưng nhờ đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm mà hiện nay hầu hết các đảo đều trồng được rau với đủ loại tươi tốt, giúp cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Đảo Trường Sa Đông được đánh giá có kết quả tăng gia tốt nhất trong số các đảo ở Trường Sa. Ngoài trồng rau xanh, việc nhân giống cây để phủ xanh cát trắng cũng được cán bộ, chiến sĩ đặc biệt quan tâm. Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng thiên nhiên cũng ưu ái cho Trường Sa những loại cây phát triển tốt trong nắng gió mà lại hữu ích cho con người. Nói đến Trường Sa thì hầu như ai cũng biết đến cây bàng quả vuông và cây phong ba. Nhưng còn một loại cây được quân, dân trên các đảo rất yêu quý là cây tra, hầu như đảo nào cũng trồng nhiều loại cây này. Thân cây tra không mọc thẳng mà xoắn vặn, cong queo, rắn chắc để chống chọi với bão tố và nắng nóng. Tán lá rất dày cho bóng mát; quả tròn, mọc thành từng chùm dài như chùm nho nên còn được gọi là “nho Trường Sa”, lúc chín có vị mặn, ngọt, chua. Bộ đội lấy quả chín ngâm si-rô, làm mứt, bày mâm ngũ quả ngày Tết, còn lá tra là loại rau có mặt thường xuyên trên mâm cơm bộ đội để ăn sống hay ăn kèm với cá hấp, thịt luộc...

Đại úy QNCN Hoàng Như Thảo, nhân viên Trạm nguồn điện đảo Trường Sa Đông được đồng đội phong làm “nghệ nhân chiết cây" vì anh chuyên chiết cây tra để trồng phủ xanh đảo. Vừa thoăn thoắt cắt rồi cạo vỏ, đắp đất và bó lại, anh Thảo vừa hướng dẫn tỉ mỉ từng khâu chiết cành cho chiến sĩ. Trong vài tháng tới, từ cành chiết này sẽ có thêm cây tra mới, góp phần thêm màu xanh cho đảo. Đảo Trường Sa Đông còn có cả khu vườn hoa và nhiều loại cây cảnh được bộ đội chăm chút, cắt tỉa đẹp đẽ. Nhìn những thế cây, dáng hoa ở đây được cắt tỉa không khác gì sản phẩm của các nghệ nhân ở những làng nghề cây cảnh, mới thấy bộ đội ta thật đa tài. Ở Trường Sa, tận dụng được chút đất nào là quân, dân ta trồng cây. Đảo Sơn Ca còn có "vườn ươm thanh niên", vừa ươm những cây bàng quả vuông để trồng trên đảo vừa tặng khách ra thăm và các đảo khác khi có dịp.

Chúng tôi gặp cơn mưa bất chợt trên đảo Trường Sa Đông. Mưa ào đến rồi ào đi rất nhanh nhưng cũng đủ làm dịu mát phần nào nắng hè bỏng rát. Những vườn rau, tán lá được mưa tưới mát như bừng tỉnh, càng trở nên xanh tươi. Mùi mưa thanh khiết lan khắp nơi. Cả hòn đảo sau cơn mưa như cô gái trẻ đang yêu, tươi mới, trong trẻo, căng tràn sức sống. Thiếu tá Lê Hoàng Sáng, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông bảo: “Nhà báo may mắn đó, vừa ra đã được ngắm mưa Trường Sa, chứ với lính đảo chúng tôi thì mưa cũng là của hiếm, lâu lắm mới có”.

Quả đúng vậy, tôi thấy mình rất may mắn trong chuyến đi này, bởi ngoài việc được tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của quân, dân trên đảo, ngắm những hình ảnh mà trước đó tôi mới chỉ được biết qua báo chí, phim ảnh thì ngay khi chuyến đi của đoàn chúng tôi kết thúc, dịch Covid-19 bùng phát khiến các chuyến tàu dự kiến ra thăm Trường Sa sau đó phải hoãn, để lại rất nhiều nuối tiếc cho những người lỡ hẹn. Trường Sa luôn là mảnh đất mơ ước được đặt chân đến của rất nhiều người... 

 (còn nữa)

Theo Ghi chép của NGỌC HÂN/qdnd.vn - Ngày 29/6/2021

 https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-sac-hoa-giua-diep-trung-xanh-663892