"Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi của các đối tác lớn", chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ( CIEM) tổ chức hôm nay (15/7) tại Hà Nội, hàng loạt chuyên gia đã đưa ra những vấn đề lớn của kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo đó, CIEM đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 lần lượt với các mức dự báo 5,9% và 6,2%.
Tuy nhiên, thảo luận về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện CIEM - cho rằng thông thường các tổ chức thường đưa ra 3 kịch bản với giả định xấu, bình thường và lạc quan.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện CIEM (Ảnh: CIEM).
"Do đó chúng ta nên xây dựng thêm kịch bản xấu hơn với giả định việc kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài hơn so với 2 kịch bản được đưa ra. Điều này nhằm dự phòng phương án "phòng thủ" tốt nhất, tránh lúng túng trong chuẩn bị và tập hợp lực lượng như trường hợp của TPHCM vừa qua" - ông Thành khuyến nghị.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa cuối năm, ông Thành cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn gắn chặt với xu hướng của thế giới. Trong đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với 3 trắc trở lớn là: Khan hiếm nguồn cung tiếp tục gia tăng, cạnh tranh đầu vào mạnh mẽ; một số quốc gia tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vọt lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây; năng lực logistics không còn đảm bảo như trước đại dịch Covid-19, chi phí thuê container rỗng tăng chóng mặt trong suốt thời gian qua.
Chuyên gia Võ Trí Thành khẳng định: "Những điều trên "ngấm" vào kinh tế Việt Nam làm tăng trưởng đối mặt với nhiều thách thức".
Trong khi đó, hiện nay, tăng trưởng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới diễn ra không đồng đều. Nhiều định chế tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nguyên Viện phó CIEM khẳng định: Trung Quốc - quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2021 trong khu vực châu Á - cũng cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại trong khoảng vài ngày gần đây. Ở chiều ngược lại, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… lại đang có triển vọng tăng trưởng tích cực.
"Vì vậy, chiến thuật của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn" - ông Thành lưu ý.
Dẫu vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với những rủi ro như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể mới, áp lực lạm phát và sự tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào… Do đó, phục hồi kinh tế phải gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư…
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM (Ảnh minh họa).
Tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: Đại dịch Covid-19 đang làm đứt gẫy chuỗi giá trị, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đối với nền kinh tế có độ mở lớn hơn 200% như Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian đó, Việt Nam nỗ lực thực hiện kinh tế số để xuất khẩu vải thiều, thanh long. Vì vậy, đánh giá tác động của đại dịch kinh tế thế giới phải làm rõ những thay đổi về tư duy cho nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, xu hướng tự chủ, chuyển đổi thương mại tại Việt Nam hiện còn chậm. Việt Nam cần bổ sung nhanh chóng khung pháp lý về kinh tế số để người dân được dễ dàng chuyển đổi cũng như tránh được việc hành chính hóa, hình sự hóa các vấn đề kinh tế đơn thuần.
Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - cho biết: Đầu tư công là phần chi đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 28%, thông thường tháng đầu năm chậm do Tết và phân bổ vốn từ bộ ngành xuống chủ đầu tư, đến nay sau 6 tháng, tốc độ giải ngân thấp vẫn hết sức lo ngại.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam (Ảnh: Mạnh Nguyễn).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm có 67.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tổng vốn 942.000 tỷ đồng, tương đương với 41 tỷ USD, gấp 3 lần vốn FDI, đây là nguồn lực từ tư nhân vô cùng lớn.
Ông Bình cho rằng, kỳ vọng đầu tư tư nhân và FDI đang là chỗ dựa và là điểm tích cực trong thu hút FDI, tái cơ cấu, tập trung vào lĩnh vực có hàm lượng tri thức, chất xám cao hơn. Cần cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa cho quá trình tăng trưởng xanh, bền vững và chuyển đổi số đối với hoạt động doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Theo An Linh/dantri.com.vn – 15/7/2021
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhan-dien-suc-khoe-kinh-te-viet-nam-va-da-phuc-hoi-cua-cac-doi-tac-lon-20210715163153834.htm