Đợt huy động vốn cao kỷ lục của các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ đã chuyển sự chú ý của giới đầu tư sang nước này trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường trấn áp doanh nghiệp internet.
Ứng dụng giao đồ ăn Zomato vừa trở thành công ty kỳ lân quốc gia đầu tiên ra mắt thị trường chứng khoán, huy động được 1,3 tỷ USD.
Công ty mẹ của công ty khởi nghiệp thanh toán điện tử Paytm cũng đã đệ trình một dự thảo báo cáo cho đợt IPO lớn nhất Ấn Độ dự kiến huy động 2,2 tỷ USD.
Trong khi đó, nhà bán lẻ Flipkart Online Services Pvt cũng huy động được 3,6 tỷ USD với định giá 38 tỷ USD - mức kỷ lục cho một công ty khởi nghiệp Ấn Độ.
Giới đầu tư toàn cầu đang hướng sự chú ý vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ (Ảnh: Bloomberg).
"Các doanh nhân Ấn Độ đã âm thầm xây dựng các công ty khởi nghiệp trong một thập kỷ nay. Hạ tầng internet của nước này cũng đã được cải thiện đáng kể và có một chỗ đứng rất tốt đối với cổ phiếu công nghệ toàn cầu", Hans Tung, đối tác quản lý của GGV - một quỹ quản lý 9,2 tỷ USD tài sản có trụ sở tại Thung lũng Silicon, nói. Ông cho biết thêm: "Các nhà đầu tư đang bắt đầu nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và kỳ vọng Ấn Độ sẽ như Trung Quốc".
Không giống như Trung Quốc, nơi việc sử dụng trực tuyến phát triển hơn nhiều, nhiều người trong số 625 triệu người dùng internet ở Ấn Độ mới chỉ đang "nhúng chân" vào thế giới phát video trực tuyến, mạng xã hội và thương mại điện tử. Cơ hội mua sắm trực tuyến vẫn đặc biệt hấp dẫn khi thương mại điện tử tại Ấn Độ chiếm chưa đến 3% giao dịch bán lẻ. Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Ấn Độ vẫn đang bỏ tiền ra để xây dựng chuỗi cung ứng và mạng lưới giao hàng.
Ngoài ra, dân số của Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trong thập kỷ này và tâm lý của các nhà đầu tư có thể không khác nhiều so với các quốc gia láng giềng. Trung Quốc đang cải tổ các doanh nghiệp công nghệ trong nước, làm "bốc hơi" 800 tỷ USD vốn hóa thị trường của các "ông lớn" công nghệ so với mức đỉnh hồi tháng 2 cùng hàng tỷ USD giá trị tài sản ròng của các doanh nhân nổi tiếng.
Trong tháng này, chính phủ nước này đột ngột lệnh rút dịch vụ gọi xe Didi Global ra khỏi các gian hàng ứng dụng, vài tháng sau khi hủy thương vụ IPO của Ant Group - một công ty fintech do tỷ phú Jack Ma sáng lập.
Theo Bloomberg, cuộc trấn áp dự kiến sẽ còn tiếp tục khi các nhà quản lý nước này muốn hạn chế quyền lực của các công ty internet và giành lại quyền kiểm soát dữ liệu người dùng.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nilesh Shah - Chủ tịch tập đoàn kiêm CEO tại Công ty quản lý tài sản Kotak Mahindra ở Mumbai, các công ty công nghệ Ấn Độ sẽ thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, những người đã đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Ông cho rằng, việc niêm yết thành công một số công ty khởi nghiệp thua lỗ có thể dẫn đến việc đánh giá lại nhiều công ty hiện tại và đưa thị trường tăng cao hơn.
Trong quý II vừa qua, các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ đã huy động được số vốn kỷ lục 6,3 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc giảm 18% so với mức 27,7 tỷ USD huy động được trong quý IV năm ngoái, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu CB Insights.
Theo Nhật Linh/dantri.com.vn - 19/7/2021
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-tran-ap-gioi-cong-nghe-nha-dau-tu-do-xo-sang-an-do-20210719145445332.htm