Cập nhật: 19/08/2021 14:59:00
Xem cỡ chữ

Dù đã công tác trong ngành giáo dục gần 24 năm nhưng một nữ hiệu trưởng (TP Pleiku, Gia Lai) mới có bằng tốt nghiệp THPT. Nữ hiệu trưởng cho hay, do lịch sử, bà đã học theo hệ 9+3 và học lên đại học.

Nữ hiệu trưởng nói trên là bà Dương Thị Oanh, công tác tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Pleiku, Gia Lai).

Bà Oanh được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng nhà trường từ năm 2016. Trước đó, bà Oanh đã giữ chức vụ hiệu phó gần 6 năm ở 2 tiểu học trường trên địa bàn TP Pleiku.

Theo bà Oanh, năm 1993, bà đã theo học lớp Trung học Sư phạm (hay còn gọi là hệ 9+3) của Khoa giáo dục Tiểu học (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai). Ra trường, bà về công tác tại một trường tiểu học thuộc xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai).

Năm 2000, bà Oanh chuyển về làm giáo viên tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (TP Pleiku, Gia Lai). Cũng trong thời gian này, bà Oanh tiếp tục đăng ký học hệ đại học sư phạm từ xa và tốt nghiệp năm 2008.

Trần tình của hiệu trưởng công tác gần 24 năm mới có bằng tốt nghiệp THPT - 1

Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, nơi cô Oanh đang công tác.

Năm 2017, Tỉnh ủy Gia Lai có quy định số 825-QĐ/TU quy định tiêu chuẩn, chức danh đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Qua đó, quy định yêu cầu đối với cán bộ phải có bằng THPT mới được bổ nhiệm theo quy định.

Lúc này, bà Oanh đã đăng ký học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông để lấy bằng THPT theo quy định. Mới đây, bà Oanh đã đăng ký tham dự kỳ thi THPT năm 2021. Qua đó, bà Oanh đã thi đỗ tốt nghiệp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Thức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Pleiku (Gia Lai) cho biết, trước đây, Bộ GD-ĐT quy định việc học từ bằng trung cấp (học 9+3) là tương đương với bằng THPT. Lúc đó, nhiều cán bộ khi học hệ 9+3 xong đã học liên thông lên cao đẳng, đại học.

Sau này, Tỉnh ủy Gia Lai ban hành quy định 825 và Thành ủy Pleiku có quy định số 753, quy định phải có bằng THPT thì mới được bổ nhiệm.

Khi có quy định này, phòng GD-ĐT cũng tiến hành rà soát các cán bộ trên địa bàn và ghi nhận có hơn 10 trường hợp. Các trường hợp này đều là những cán bộ lớn tuổi và nhiều người sắp về hưu. Đối với những người chưa đủ điều kiện về bằng cấp, phòng GD-ĐT cũng khuyến khích đi học để bổ sung cho đúng quy định.

Trường hợp của cô Oanh cũng đã học theo hệ 9+3 và đã có bằng đại học sư phạm vào năm 2008. Cô Oanh được bổ nhiệm hiệu trưởng khoảng tháng 9/2016. Lúc này, Tỉnh ủy chưa ban hành quy định 825 nên cơ quan chức năng đã tiến hành bổ nhiệm theo đúng quy trình, quy định pháp luật.

Ông Thức nhận xét, những năm qua, cô Oanh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó. Dù cô Oanh đang theo học nhưng nhà trường vẫn nhận được Bằng khen của UBND tỉnh về tập thể lao động xuất sắc năm học 2019 - 2020.

Việc cô Oanh đi học phòng cũng không cấm mà luôn khuyến khích, động viên. Quá trình đi học, cô đều tranh thủ ngoài giờ hành chính nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến công tác điều hành, quản lý trường học.

Trần tình về việc mới có bằng THPT, cô Oanh bộc bạch: "Trước kia tôi cũng học theo hệ 9+3 và sau đó theo học hệ đại học từ xa. Từ năm 2009, tôi đã được bổ nhiệm làm hiệu phó và lúc đó tôi đã có bằng đại học. Khi có quy định về việc chuẩn hóa bằng cấp, tôi cũng đã đăng ký học để lấy bằng cấp THPT theo quy định".

"Trong khoảng 2 năm, tôi thường tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần vào trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông để theo học, nhằm đủ điều kiện tham gia kỳ thi THPT. Với sự nỗ lực của bản thân và tập thể nhà trường giúp đỡ, tôi đã vượt qua kỳ thi và có bằng THPT theo quy định", cô Oanh chia sẻ.

Theo Phạm Hoàng/dantri.com.vn – 19/8/2021

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tran-tinh-cua-hieu-truong-cong-tac-gan-24-nam-moi-co-bang-tot-nghiep-thpt-20210819111109275.htm