Nội dung dạy học sẽ được tinh giản để phù hợp với điều kiện học trực tuyến. Học sinh có điểm thi cao hoặc thấp "bất thường", nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại.
Triển khai chương trình mới, tinh giản chương trình, cách kiểm tra đánh giá khi học trực tuyến là những vấn đề được PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT giải đáp trong buổi giao lưu "Năm học mới trong đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 6/9.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.
Tinh giản nội dung dạy học
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà soát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung.
Theo đó, 10 môn sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu….
Năm học này, Bộ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. Bộ GD-ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.
Ông Thành cho biết: "Bộ trưởng đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu này, tuần này hoặc tuần tới sẽ gửi đến các thầy cô để lan tỏa, tổ chức giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học".
Các trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin… Khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã được đọc SGK từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.
Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài liệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này, cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ để các em đảm bảo được yêu cầu trong học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Kiểm tra lại học sinh có kết quả "bất thường"
Về kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong điều kiện học tập online, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, tại Thông tư 09 về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT quy định về các điều kiện dạy học trực tuyến, tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập, đánh giá kết quả học tập của học sinh… cũng như các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến.
Học sinh có kết quả học tập "bất thường", nhà trường có thể thực hiện kiểm tra lại.
Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Bộ GD-ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
"Chúng tôi muốn nhắn nhủ bố mẹ phải làm sao nhìn thấy tương lai của con, còn không trung thực trong kiểm tra đánh giá này vô hình chung lợi bất cập hại", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.
Theo PGS.TS Thành nhận định việc kiểm tra đánh giá trực tuyến khá minh mạch, điều cần nhất là các nhà trường ra đề làm sao để đảm bảo được tinh thần trên.
Trường hợp nếu học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc ngược lại, học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, trục trặc kỹ thuật, nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại.
Việc kiểm tra đánh giá định kỳ cũng có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, học sinh có thể thực hiện tại nhà. Qua báo cáo và trình bày báo cáo của học sinh, hỏi đáp của giáo viên có thể đánh giá được chất lượng học tập của các em. Đây chính là tinh thần đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh.
Vấn đề không phải học sinh được bao nhiêu điểm mà là qua đây thúc đẩy được việc dạy học và giúp học sinh tiến bộ cả về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là phẩm chất trung thực.
Thực hiện chương trình mới vất vả hơn vì học trực tuyến
Năm nay, học sinh lớp 2, lớp 6 sẽ thực hiện chương trình mới trong một bối cảnh không mấy thuận lợi.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng sẽ có những khó khăn nhất định khi thầy trò còn nhiều bỡ ngỡ. Dạy trực tiếp đã vất vả, giờ chuyển đổi, chuyển sang trao đổi trực tuyến giáo viên sẽ càng khó khăn hơn.
Học sinh học trực tuyến.
Giáo viên phải trao đổi nhiều hơn, hướng dẫn học sinh tự học cao hơn, thiết kế bài dạy kỹ lưỡng hơn. Việc ngồi trước máy tính giảng bài khác hẳn so với việc với dạy 40 học sinh trong lớp.
Nếu trước đây, giáo viên dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, giáo viên giao cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó để đạt được mục tiêu kép là vừa có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình chiếm lĩnh kiến thức ấy giúp phát triển các phẩm chất và năng lực tương ứng.
"Chúng tôi mong muốn các thầy cô nỗ lực hơn để thiết kế bài mạch lạc, khuyến khích thầy cô giao cho học sinh những bài thật cụ thể cũng như chia sẻ học liệu của nhau", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành bày tỏ.
Theo Hoài Nam /dantri.com.vn - 7/9/2021
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoc-truc-tuyen-tinh-gian-noi-dung-kiem-tra-lai-bai-co-diem-thi-bat-thuong-20210907105657593.htm