Trung Quốc đã nhanh chóng liên hệ với Taliban để đề xuất viện trợ và thảo luận về việc hỗ trợ chính quyền Afghanistan trong tương lai.
Đơn vị tinh nhuệ của Taliban tuần tra trên đường phố thủ đô Kabul (Ảnh: New York Times).
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Afghanistan đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trong bối cảnh lực lượng Taliban đã lên nắm quyền tại nước này. Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng đang "phủ bóng" đất nước bị chiến tranh tàn phá suốt 20 năm qua.
Khi các nhà tài trợ quốc tế đang chuẩn bị họp ở Geneva trong ngày 13/9 để bàn về việc cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan dưới thời Taliban, Trung Quốc đã nhanh chóng giúp đỡ và thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ sau này.
Mỹ và các quốc gia phương Tây khác vẫn chưa sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho Taliban cho đến khi lực lượng này đưa ra những đảm bảo về việc duy trì nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ tại Afghanistan.
Khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD của Afghanistan được gửi tại nước ngoài cũng bị đóng băng.
"Mục đích dễ hiểu là ngăn chính quyền Taliban tiếp cận các khoản tiền này", Deborah Lyons, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Afghanistan, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tuần trước.
"Tuy nhiên, hậu quả không thể tránh khỏi là một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo, tạo ra một làn sóng lớn người tị nạn từ Afghanistan và khiến Afghanistan thụt lùi trong nhiều thế hệ", đặc phái viên Liên Hợp Quốc cảnh báo.
Một tác động khác có thể xảy ra là thúc đẩy Afghanistan xích lại gần các nước láng giềng và đồng minh thân cận như Pakistan và Trung Quốc, những nước đã điều hàng loạt máy bay tiếp tế tới Afghanistan.
Trung Quốc tăng cường kết nối với Taliban
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Afghanistan, nơi có trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác lớn nhất thế giới, trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập liên lạc với Taliban sau khi lực lượng này giành kiểm soát phần lớn Afghanistan và lật đổ chính quyền Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn. Trung Quốc vẫn duy trì đại sứ quán ở Kabul và đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan đã gặp gỡ các thành viên cấp cao của Taliban.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác với Taliban, ngay cả khi nhiều người Afghanistan vẫn đang tìm cách tháo chạy khỏi đất nước vì lo sợ lặp lại kịch bản Taliban nắm quyền ở Afghanistan như cách đây 20 năm.
Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ gửi lương thực và thiết bị y tế trị giá 31 triệu USD tới Afghanistan. Đây là một trong những cam kết viện trợ nước ngoài đầu tiên kể từ khi Taliban nắm quyền hồi tháng 8.
Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Taliban trong thời gian gần đây. Một số nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh quan tâm tới nguồn khoáng sản phong phú của Afghanistan, bao gồm trữ lượng lớn lithium - một thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về việc xung đột quân sự có thể tràn từ Afghanistan qua khu vực biên giới với Trung Quốc, do vậy Bắc Kinh muốn chính quyền Taliban giúp kiểm soát vấn đề này.
Ngoài viện trợ nhân đạo, một số chuyên gia và quan chức trong khu vực cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) khổng lồ của Trung Quốc có thể mang lại cho Afghanistan năng lực kinh tế lâu dài.
Một khả năng có thể xảy ra là Afghanistan tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một mắt xích trọng tâm của BRI. Trong khuôn khổ CPEC, Bắc Kinh từng cam kết hơn 60 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan, phần lớn dưới hình thức cho vay.
Rustam Shah Mohmand, cựu đại sứ Pakistan tại Afghanistan, cho biết "Taliban hoan nghênh việc gia nhập CPEC và Trung Quốc cũng rất hài lòng với điều này".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp quan chức cấp cao Taliban hồi tháng 7 (Ảnh: Xinhua).
Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về BRI, tuy nhiên Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẵn sàng tích cực thảo luận về việc nối lại các chuyến tàu chở hàng giữa Trung Quốc - Afghanistan và tạo điều kiện cho Afghanistan hợp tác với thế giới bên ngoài, đặc biệt là khả năng tiếp cận các nguồn viện trợ nhân đạo.
Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo Taliban cho biết họ mong muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Taliban gọi Trung Quốc là láng giềng vĩ đại, người bạn thân thiết và đối tác quan trọng trong khu vực.
Một nguồn tin cấp cao của Taliban cho biết lực lượng này đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc tại Doha về các cơ hội đầu tư. Theo nguồn tin, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hoạt động khai thác mỏ tại Afghanistan, tuy nhiên bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực này sẽ được đấu thầu rộng rãi.
"Taliban hoan nghênh đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho đất nước", nguồn tin của Taliban nhấn mạnh.
Hai nguồn tin ở Afghanistan và Pakistan cho biết Trung Quốc đã tích cực kêu gọi Afghanistan tham gia CPEC trong nhiều năm qua, nhưng chính phủ Afghanistan trước đó do Mỹ hậu thuẫn không mấy mặn mà. Trong khi đó, Taliban, với nhu cầu thúc đẩy kinh tế và được quốc tế công nhận, dường như quan tâm hơn tới đề xuất của Trung Quốc.
"Con đường tốt nhất ở phía trước và là lựa chọn sẵn sàng ngay tức thì cho sự phát triển kinh tế của Afghanistan là CPEC, bao gồm Pakistan và Trung Quốc. Chính quyền mới ở Kabul nhận thức được điều này và họ đang rất quan tâm đến nó", Mushahid Hussain Sayed, nghị sĩ Pakistan và cựu Chủ tịch Viện Trung Quốc - Pakistan, cho biết.
Rủi ro với Trung Quốc
Trung Quốc có lợi ích từ việc khác mỏ tại Afghanistan trong bối cảnh quốc gia Trung Nam Á đang phải vật lộn để hồi phục nền kinh tế và phát triển đất nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định bất kỳ khoản đầu tư tiếp theo nào của Trung Quốc tại Afghanistan cũng sẽ đi kèm với rủi ro, do tình hình an ninh không ổn định ở nước này.
"Tất nhiên, vấn đề an ninh và sự ổn định của Afghanistan rất quan trọng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc liên kết với khu vực Trung Á và kết nối thông qua Vành đai và Con đường cũng rất quan trọng. Tất cả đều liên quan tới sự ổn định và thịnh vượng của khu vực", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nhận định.
Ngoại trưởng Trung Quốc hồi tháng 7 đã yêu cầu Taliban cắt đứt quan hệ với các tổ chức cực đoan khác, trong đó có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - lực lượng bị Bắc Kinh cho là gây ra các cuộc tấn công bạo lực ở khu vực Tân Cương. Taliban hứa sẽ không cho phép các lực lượng khác sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để âm mưu chống lại Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia vẫn hoài nghi lời hứa này của Taliban.
Ngoài Trung Quốc, Pakistan tuần trước cũng gửi đồ thiết yếu như dầu ăn và dược phẩm cho chính quyền Afghanistan, trong khi ngoại trưởng Pakistan kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ vô điều kiện và không đóng băng tài sản của Afghanistan.
Pakistan được cho là có quan hệ sâu sắc với Taliban và bị cáo buộc hỗ trợ nhóm này trong quá trình chiến đấu với lực lượng chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul trong 20 năm. Tuy nhiên, Pakistan đã phủ nhận cáo buộc này.
Theo Thành Đạt (Reuters, SCMP) - 13/9/2021
https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-nhanh-chong-vien-tro-cho-taliban-khi-phuong-tay-chan-chu-20210913082305556.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Cover&dt_medium=1