Hôm qua, Ấn Độ đã đạt được kỷ lục mới về tiêm chủng với hơn 22,6 triệu liều được tiêm, vượt xa kỷ lục 14 triệu liều một ngày hôm 31/8.
Sau khi trải qua những đợt bùng phát lây nhiễm mạnh trước sự phổ biến của biến thể Delta, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 , coi đây là chìa khóa để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hôm qua, Ấn Độ đã đạt được kỷ lục mới về tiêm chủng với hơn 22,6 triệu liều được tiêm, vượt xa kỷ lục 14 triệu liều một ngày hôm 31/8.
Các trung tâm tiêm chủng được lập tại sân vận động, trung tâm thương mại, phòng khám và nhiều địa điểm khác để có thể đưa vaccine đến với người dân. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya gọi cột mốc này là món quà sinh nhật của các nhân viên y tế và người dân dành cho Thủ tướng Narendra Modi, người bước sang tuổi 71 vào ngày 17/9.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm ngừa COVID-19 cho khoảng 70% dân số vào cuối năm nay, khi tốc độ tiêm chủng mỗi ngày đang ở mức 700.000 liều. Bên cạnh những trung tâm tiêm chủng cố định, Thái Lan đã sử dụng xe buýt tiêm chủng lưu động nhằm phục vụ người cao tuổi, người khuyết tật và những người bị bệnh mãn tính khác.
Manat Phumklahan, một người dân ở thủ đô Bangkok cho biết: "Tôi nghĩ sáng kiến này mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương, nơi có những người thực sự không thể đến các trung tâm tiêm chủng. Tôi bị đau chân, không thể đi lại được. Xe buýt tiêm chủng khiến tôi nhận được mũi tiêm thuận tiện hơn rất nhiều”
Tại châu Âu, Chính phủ Italy vừa phê chuẩn sắc lệnh mới, bắt buộc tất cả nhân viên công vụ và người lao động trong khu vực tư nhân phải có “thẻ xanh COVID-19”. Anh Pino Ciniro, một người dân tại Roma cho biết: "Tôi đồng ý với biện pháp của chính phủ. Đó là một biện pháp công bằng, cho chúng tôi cơ hội để làm việc an toàn và tránh bị đóng cửa trong tương lai."
Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn cung vaccine đang làm chậm tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu, đặc biệt là các nước nghèo. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực châu Phi phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 470 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm nay. Điều đó đồng nghĩa, chỉ khoảng 17% dân số của lục địa này được tiêm chủng cho tới cuối năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà WHO đặt ra.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, việc thiếu hụt vaccine COVID-19 ở châu Phi có thể khiến lục địa này trở thành nơi sản sinh ra nhiều loại biến thể kháng vaccine và đưa thành quả chống dịch của thế giới về vạch xuất phát. Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức đa phương khác trong cuộc họp hôm 17/9 đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 cao tăng cường hỗ trợ vaccine cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Nếu không có sự đồng lòng chia sẻ, thì mục tiêu ít nhất 40% dân số tại mỗi nước trên thế giới được tiêm ngừa COVID-19 vào cuối năm nay sẽ khó có thể thực hiện được./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1 (tổng hợp) – 18/9/2021
https://vov.vn/the-gioi/nhieu-nuoc-day-manh-chien-dich-tiem-chung-nuoc-ngheo-van-thieu-nguon-cung-vaccine-891697.vov