Cập nhật: 02/10/2021 16:00:00
Xem cỡ chữ

Kết quả ở 3 lĩnh vực là Toán, Đọc hiểu và Viết của học sinh tiểu học Việt Nam đều cao nhất trong 6 quốc gia tham gia kỳ khảo sát chính thức SEA-PLM 2019.

Ngày 1/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) giai đoạn 2018-2021.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham sự của đại diện UNICEF tại Việt Nam, đại diện các Sở GDĐT, một số trường đại học, trường tiểu học đã tham gia vào chương trình đánh giá. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Học sinh Việt Nam đứng đầu 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu và Viết - 1

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ GDĐT.

6 quốc gia tham gia đánh giá

SEA-PLM là chương trình đánh giá học sinh lớp 5 ở các lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục Công dân toàn cầu, nhấn mạnh chất lượng và chiều sâu của việc học tập đang diễn ra ở các lĩnh vực này.

SEA-PLM phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giám sát hệ thống kết quả học tập của học sinh. Đồng thời, hỗ trợ các nước thành viên SEAMEO đo lường tốt hơn và hiểu sâu hơn tình hình thành tích học tập của học sinh theo tổng thể chung và từng nhóm riêng bằng cách áp dụng các chuẩn đo văn hóa thích hợp vào kết quả học tập của lĩnh vực Đọc hiểu, Viết, Toán học và Công dân toàn cầu.

Có 6 nước là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillippines và Việt Nam tham gia chu kỳ khảo sát đầu tiên SEA-PLM giai đoạn 2018-2021, khảo sát chính thức năm 2019. Kết quả ở 3 lĩnh vực là Toán, Đọc hiểu và Viết của Việt Nam đều cao nhất trong 6 quốc gia tham gia kỳ khảo sát chính thức SEA-PLM 2019.

Cụ thể, ở lĩnh vực Toán học, điểm trung bình của học sinh Việt Nam là 341,55 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình của học sinh 6 quốc gia là 304,79 điểm. Lĩnh vực Đọc hiểu, điểm trung bình của học sinh Việt Nam là 336,46 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình của học sinh 6 quốc gia là 300 điểm.

Lĩnh vực Viết, điểm trung bình của học sinh Việt Nam là 328,01 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình của học sinh 6 quốc gia là 304,92 điểm.

Khoảng cách khá xa giữa học sinh thành thị và vùng khó khăn 

Phân tích chi tiết kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với học sinh các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực. Kết quả học tập trong lĩnh vực Toán học của học sinh nữ tương đương với học sinh nam nhưng ở lĩnh vực Đọc hiểu và Viết, học sinh nữ đạt thành tích cao hơn học sinh nam.

Học sinh ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, trung bình cao có mức điểm trung bình và mức độ thành thạo chênh lệch lớn so với nhóm học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trung bình thấp. Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng có ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.

Với việc tham gia SEA-PLM, ngoài mục tiêu chung của các nước ASEAN, Việt Nam hướng tới một số mục tiêu cụ thể như hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục; đo được mặt bằng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực; phân tích được thực trạng giáo dục và các khuyến nghị thay đổi chính sách giáo dục để cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, thông qua SEA PLM, Việt Nam thể hiện trách nhiệm đối với việc xây dựng và phát triển ngôi nhà chung các nước Đông Nam Á. Đánh giá của SEA PLM cũng phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao kết quả của SEA PLM 2019. Đồng thời cho rằng: Hoạt động của SEA PLM đã giúp ngành Giáo dục nhận thức được đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đó, việc đánh giá chất lượng giáo dục không chỉ dựa trên kết quả dạy học mà còn thể hiện ở công tác quản trị, quản lý nhà trường; thể hiện ở các yếu tố tác động như môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, yếu tố vùng miền, khu vực…

"Việc nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là trong giai đoạn đổi mới giáo dục phổ thông như hiện nay là rất cần thiết. Khi nhận thức được đầy đủ sẽ dành sự quan tâm cho hoạt động này", Thứ trưởng nói.

Để chuẩn bị cho giai đoạn đánh giá 2021-2024, Thứ trưởng lưu ý, cần tập trung với tinh thần cao nhất, trong đó phải chuẩn hóa quy trình, công bố sớm kế hoạch và tuyên truyền diện rộng để những đối tượng trực tiếp tham gia hiểu sâu sắc và tham gia vào quá trình đánh giá một cách tốt nhất.

"Chúng ta đang xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt và quản lý tốt. Vì vậy, những kết quả tích cực khi so sánh với giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ không chỉ là niềm vui đối với ngành Giáo dục mà còn là niềm vui của cả nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bình An/dantri.com.vn – 2/10/2021

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoc-sinh-viet-nam-dung-dau-3-linh-vuc-toan-doc-hieu-va-viet-20211002145421588.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Cover&dt_medium=1