Việc kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến được kết hợp giữa kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ, nên giáo viên cần quan tâm đánh giá thường xuyên với học sinh.
Giáo viên dạy trực tuyến. (Ảnh: TTXVN phát)
Việc đánh giá học sinh là sự kết hợp giữa kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ học sinh; trong đó, giáo viên cần quan tâm việc đánh giá thường xuyên, vì sự tiến bộ và giúp học sinh phát huy khả năng, năng lực của mình.
Cả người dạy, người học và phụ huynh không nên quá áp lực về kết quả bài thi kiểm tra, đánh giá định kỳ của học sinh. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến “Thách thức và cơ hội của việc dạy học, đánh giá trên môi trường Internet,” do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 2/10.
Theo quy định, việc kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến được thực hiện kết hợp giữa kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được giáo viên thực hiện trong quá trình dạy học trực tuyến; kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục, trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục vì lý do bất khả kháng, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Nhiều phụ huynh băn khoăn việc đảm bảo công bằng trong tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho rằng đánh giá học sinh hiện nay được thực hiện kết hợp bằng cả hình thức đánh giá thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Trong đó, giáo viên cần quan tâm đánh giá thường xuyên, vì sự tiến bộ và giúp học sinh phát huy khả năng, năng lực của mình.
Giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên thông qua quan sát học sinh, vấn đáp, đánh giá hồ sơ học tập, sản phẩm học tập của học sinh, tổ chức cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau... Việc đánh giá thường xuyên là trọng tâm để đánh giá sự tiến bộ của học sinh chứ không phải dựa vào điểm của một, hai bài thi đánh giá định kỳ. Vì thế, cả người dạy, người học và phụ huynh không nên quá áp lực về kết quả kiểm tra định kỳ.
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc tổ chức dạy và học trên internet tại các trường học trong thời gian đầu năm học gặp không ít khó khăn về môi trường dạy học, chất lượng đường truyền, thiết bị và kỹ thuật dạy học của giáo viên. Cụ thể, môi trường dạy học bị ảnh hưởng khi học sinh không có không gian học tập phù hợp tại nhà; kỹ thuật dạy học và năng lực sử dụng công nghệ trong dạy học của giáo viên chưa đồng đều, nhiều giáo viên còn chậm ứng dụng công nghệ trong tổ chức dạy học.
Trong khi đó, còn có học sinh chưa chuẩn bị tâm lý tốt cho việc học, có phụ huynh chưa phối hợp chặt chẽ với giáo viên để đồng hành với con trong việc học. Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh của giáo viên cũng gặp khó khăn, khó đánh giá chính xác tuyệt đối, bao quát toàn diện quá trình học tập, phẩm chất, năng lực học sinh.
Dù có những hạn chế nhất định, nhưng xác định việc dạy và học trên internet là giải pháp tình thế phù hợp trong tình hình hiện nay, cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh phải từng bước khắc phục khó khăn, thích ứng với hình thức học tập này.
Để giáo viên có đủ kỹ năng dạy học trực tuyến, Tiến sỹ Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho rằng các cơ sở giáo dục cần xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ lưỡng và tập huấn đầy đủ cho giáo viên. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ chuyên trách hỗ trợ kịp thời việc dạy học, đánh giá online cho giáo viên; có chính sách học tập phù hợp cho các đối tượng học sinh.
Bên cạnh sự chủ động của cơ sở giáo dục, về mặt tổng thể cần có kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp dài hạn như xây dựng hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến; cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho cả giáo viên, học sinh; trang bị kiến thức, kỹ năng, công cụ cho đội ngũ quản lý, giáo viên để không bị lung túng khi triển khai hình thức dạy học trực tuyến. Đặc biệt, sự đồng thuận, tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh là rất quan trọng trong quá trình học tập của học sinh.
Từ thực tế, theo các chuyên gia khi dạy học trực tuyến, giáo viên cần quan tâm nhiều hơn tới tâm lý học sinh, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt hỗ trợ học sinh kịp thời.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn sử dụng internet khi học sinh tham gia học trực tuyến cũng cần được quan tâm. Đây là trách nhiệm chung của cả gia đình và nhà trường chứ không phải của riêng của học sinh và giáo viên.
Ngoài việc sử dụng công cụ để quản lý, kiểm soát việc truy cập internet của học sinh, phụ huynh cần định hướng các em sử dụng Internet một cách phù hợp cho việc học./.
Theo T.Hoài (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 3/10/2021
https://www.vietnamplus.vn/giao-vien-can-quan-tam-danh-gia-thuong-xuyen-hoc-sinh-hoc-truc-tuyen/744430.vnp