Cập nhật: 06/10/2021 07:40:00
Xem cỡ chữ

Chúng tôi trở lại Ngải Thầu Thượng, ngôi làng nằm ở độ cao 2.300 m so với mực nước biển, trên mũi đá Ma Cha Va hùng vĩ  bốn mùa mây phủ, cảm nhận sâu hơn sức sống mãnh liệt, kiên cường, những đổi thay của vùng đất giáp biên và những người H’Mông ở ngôi làng cao nhất Việt Nam.

Kỳ vĩ ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Ngải Thầu, xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai).

Tiết thu, bầu trời cao xanh, khoáng đạt, dọc đường từ huyện lỵ Bát Xát lên A Lù, xã biên giới phía tây của huyện, những tốp công nhân miệt mài bạt núi cắt cua, đục đá khoét ngầm làm cầu cứng, để nâng cấp tỉnh lộ 158 rộng ra và bớt quanh co, gấp khúc hơn. Đường đang sửa nên chiếc xe bán tải hai cầu gầm gào, lồng lên như ngựa vía, phải mất gần ba tiếng đồng hồ vượt quãng đường tầm 80 km mới đưa chúng tôi đến điểm “săn mây” độc nhất vô nhị trên đường lên Ngải Thầu Thượng.

Ngải Thầu tiếng địa phương là “mũi đá”, nhô ra trên đỉnh núi Ma Cha Va hùng vĩ bốn mùa sương trắng, gió trời lồng lộng, mới chớm thu mà đã rét lạnh tựa mùa đông. Đứng ở mũi đá Ngải Thầu Thượng “đục thủng” tầng mây hiện ra trước mặt là thung lũng Thiên Sinh, ruộng bậc thang Thèn Pả của người Hà Nhì, người H’Mông trải mênh mông, bất tận, dát vàng lên những sườn núi chênh vênh và thung lũng xa hút tầm mắt, rực lên mầu vàng no ấm nơi biên giới.

Trở lại ngôi làng cao nhất Việt Nam -0

Ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Ngải Thầu. 

Anh bạn là người đam mê chụp ảnh từ Hà Nội mải mê thu vào ống kính lúa chín ruộng bậc thang đẹp mê hồn vùng Tây Bắc, như những nấc thang vàng bắc lên trời cao xanh thẳm. “Mình đã nhiều lần đặt chân đến xứ mưa Y Tý, đến lòng chảo Sàng Ma Sáo để chụp ảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín nhưng bây giờ mới biết điểm săn ảnh “mũi đá” Ngải Thầu này, thật tuyệt vời”. Anh bạn nói đúng, chẳng thế có câu “đến thiên đường Y Tý mà không biết mũi đá Ngải Thầu thì chưa biết Y Tý”, bởi chỉ ở đây mới cảm nhận hết thiên nhiên hùng vĩ và kiệt tác ruộng bậc thang bao đời nay của người H’Mông, người Dao, Hà Nhì nơi địa đầu biên giới Lào Cai kỳ vĩ như thế nào.

Con đường bê-tông rộng và nhẵn mịn sáng lên trong nắng sớm, như dải lụa vắt ngang sườn núi chênh vênh, hút ngược lên ngôi làng Ngải Thầu Thượng ngập tràn mây trắng. Trước đây, nơi này như một ốc đảo lạnh buốt, trơ trụi và khô khát trên đỉnh Ma Cha Va hiểm trở, đầy bí ẩn, chỉ những chàng trai người H’Mông chân cứng như gỗ nghiến, tay lái dẻo như kỵ sĩ đua ngựa mới dám cưỡi xe mô-tô Minsk hay xe Win 100 máy khỏe, gầm cao vượt dốc “ngựa ngã” Chin Chu Lìn để lên “mũi của mũi đá” Ngải Thầu Thượng. Đường khó, điện lưới không, sóng viễn thông chưa tới nhưng 85 hộ người H’Mông ở đây vẫn kiên gan bám trụ, chân đạp đá, đầu đội mây, chịu nắng lửa, tuyết rơi, gió gào để sinh sống, thành bản thành làng, giữ đất đai biên giới.

Chương trình nông thôn mới như luồng gió mát lành thổi tới, tiếp thêm sinh lực cho người dân nơi đây “chắc tay, vững chân” xây dựng bản làng no ấm. Hôm chúng tôi đến, tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con người H’Mông tập trung người gùi nước, kẻ vác cát, xi-măng trộn bê-tông làm đường liên gia, không khí náo nhiệt như ngày hội, rộn cả một góc rừng.

Trưởng thôn Sùng A Sử  phân trần: “Nhà nước làm cho đường trục chính rồi thì mình phải bảo nhau góp công sức làm đường liên gia đến từng nhà, để trẻ con đi học, thanh niên chở hàng hóa đi bán, người già đi thăm nhau dễ hơn chứ. Mới ra quân mấy ngày thôi, đã được hơn 300 m đường bê-tông vào đến bậu cửa hơn chục nhà rồi đấy”. Cũng đang mùa gặt lúa ruộng bậc thang và bẻ ngô chín trên nương, thanh niên dùng xe máy chở những bao thóc, gùi ngô đầy ắp từ ruộng, nương về tận sân nhà để phơi khô. Trong hiên những ngôi nhà trình tường đất vàng rực ngô đã bóc chài vỏ, buộc túm lại, treo ngược lên sào phơi ngay bậu cửa, thu hút nhóm dân phượt và khách du lịch từ thành phố Lào Cai lên bấm  máy ảnh liên hồi.

Trở lại ngôi làng cao nhất Việt Nam -0

 Cô giáo và học sinh người H’Mông ở điểm trường Chin Chu Lìn, thôn Ngải Thầu (Bát Xát- Lào Cai).

Bên ấm trà rừng vị ngai ngái nhưng ngọt hậu ở nhà già làng Thào Sử, câu chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì để phá thế độc canh lúa cứ nổ như ngô rang. Già làng Thào Sử được suy tôn là “vua ruộng bậc thang” ở Ngải Thầu Thượng, có đến 30 cân giống ruộng bậc thang (tương đương 10 sào ruộng), ông chia hết cho các con, cháu nên no đủ quanh năm, không lo thiếu lương thực.

Tuyệt kỹ mở ruộng bậc thang thì không ai sánh được, chỉ với cái cuốc to bản truyền thống của dân tộc mình trên vai, ông đi khắp vùng A Lù, Y Tý, sang tận A Mú Sung, Trịnh Tường giúp bà con mở ruộng bậc thang trên sườn núi cheo leo, dưới khe sâu hun hút để định canh định cư, không phát rừng làm nương nữa. “Ruộng bậc thang là cái bồ thóc không bao giờ vơi của người H’Mông ta đấy,  nó như cái “niềng vàng” giữ chân mọi người định canh định cư, không phá rừng làm nương như trước nữa” - già làng Thào Sử bảo vậy.

Ở Ngải Thầu, nhiều người biết mở ruộng bậc thang trên núi cao nhưng tuyệt kỹ mở ruộng bậc thang của nghệ nhân Thào Sử là ở khả năng phán đoán, tìm nguồn nước trên núi cao âm u, rậm rịt hoặc chỉ trơ đá gốc bạc trắng. Thứ nữa là xác định địa chất vùng sườn núi định mở ruộng bảo đảm ổn định để tránh bị trượt sụt, gây nguy hiểm.

Cuối cùng là kỹ năng mở ruộng trên địa hình dốc cao, bị chia cắt mạnh chỉ bằng mắt thường, không cần dụng cụ hỗ trợ, không cần dùng nước đánh đường cân bằng sóng, kiểu thước livo của thợ xây nhà. Nhả khói thuốc lào sảng khoái, ông Sử cười hà hà: “Mình chỉ có ba cái bí quyết ấy thôi, không nhiều đâu”.

Ông cho biết, có thể mở ruộng bậc thang đến độ dốc 40 độ, nhưng càng dốc cao thì bề rộng mảnh ruộng càng nhỏ và bờ ruộng càng cao, tốn nhiều công sức. Có thể mở ruộng từ trên đỉnh núi xuống, từ dưới chân núi lên hoặc từ giữa núi ra hai phía cũng được. Tuy nhiên, trên địa hình có độ dốc lớn, nhiều đá và gốc cây to thì tuyệt đối tuân thủ mở theo chiều từ trên cao xuống dưới thấp để tránh nguy hiểm. Ðiều tối kỵ nhất của ruộng bậc thang là bị rò nước.

Trở lại ngôi làng cao nhất Việt Nam -0

Con đường biên giới uốn lượn giữa biển lúa vàng thơ mộng. 

Muốn không bị rò nước, phải làm bờ đúng kỹ thuật, đắp bờ kiểu đan liếp (phên) cài răng lược, đầm chặt, có thế bờ mới cắn chắc vào nhau, kín nước, không bị rò rỉ. “Bây giờ thì lớp con, cháu ở mũi đá Ngải Thầu Thượng có thêm nhiều cách làm ra tiền rồi, như trồng sâm đất, dược liệu, nuôi ngựa. Ruộng bậc thang ông cha để lại thì giữ cho tốt, trồng thêm rừng tống quá sủ để phủ xanh giữ nguồn nước lâu bền, làm thêm bờ rào đá, nhà trình tường đất, nuôi gà đen để người dưới xuôi, người Tây  đến chơi, ăn cơm “khẩu nậm xíp”, mua sâm đất Hoàng Sin Cô, mua thổ cẩm bản mình làm ra. Người H’Mông mình bảo nhau làm du lịch cộng đồng theo định hướng và hỗ trợ của huyện và tỉnh thì sẽ nhanh giàu hơn”-  Già làng Thào Sử tâm sự.

Nhớ những năm trước, Thào A Thếnh là người đầu tiên làm căn nhà hai tầng, theo kiến trúc nhà người H’Mông, nằm giữa Ngải Thầu Thượng, để đón khách ta đi phượt và khách nước ngoài đi điền dã, trải nghiệm. Đó là “đốm sáng” để lan tỏa cách nghĩ, cách làm mới, nhằm khai thác thế mạnh cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây, để phát triển du lịch. Thì nay, trưởng thôn Thào A Sử thông báo tin vui, huyện đã phê duyệt quy hoạch làng du lịch cộng đồng (tương lai sẽ có khoảng 200 hộ), lấy bảo tồn cảnh quan rừng tống quá sủ; kiến trúc nhà truyền thống người H’Mông và nghề đan lát, làm thổ cẩm từ cây lanh, nhuộm chàm và in sáp ong; trồng sâm đất và nuôi gà đen, nuôi ngựa núi để xóa nghèo hiệu quả và bền vững ở mũi đá Ngải Thầu này.

Cũng nhờ có con đường bê-tông nông thôn mới dài hơn 7 km, xe ô-tô có thể đi từ “dốc ngựa ngã” năm nào đến tận đỉnh trời Ma Cha Va nên cuộc sống của đồng bào ở Ngải Thầu Thượng đã khởi sắc hơn. Từ “cánh chim đầu đàn” Thào A Dung, người đầu tiên đưa cây sâm đất về trồng trên đất này, đến nay 85 hộ người H’Mông ở đây đã chuyển nương ngô cằn cỗi, năng suất thấp sang trồng sâm đất Hoàng Sin Cô bán cho Công ty thạch rau câu Long Hải ở tận Hải Dương lên thu mua, đem về tiền tỷ mỗi năm.

Trở lại ngôi làng trên đỉnh trời mây trắng cao nhất Việt Nam, chúng tôi đã được cảm nhận sâu hơn về đất và người nơi đây. Cuộc sống người H’Mông, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi, chạm mây, mặt đất lúc nào cũng như nghiêng nghiêng sẵn sàng thử thách. Người và trâu cày nương mà như làm xiếc, chân duỗi, chân quỳ men theo sườn dốc, lưỡi cày len lỏi trong đá, moi lên từng chút đất một.

Cây lúa, cây ngô lớn lên từ đất, từ đá được tưới đẫm mồ hôi người H’Mông, cây nào cũng cứng cáp. Người H’Mông hầu như gắn số phận mình với rừng cao núi thẳm, đôi chân quấn xà cạp tung hoành, tạo nên lối đi, đến tận cả những đỉnh núi cao, hoang vu nhất. Tôi nhớ mãi câu nói của già làng Thào Sử: “Không có một ngọn núi nào cao bằng đầu gối người H’Mông ta”. Tự tin và kiêu hãnh đến thế là cùng. Họ thật sự là những cột mốc sống nơi biên cương Tổ quốc.

Theo Bài và ảnh: QUỐC HỒNG/nhandan.vn - Ngày 3/10/2021

https://nhandan.vn/hanh-trinh-kham-pha/tro-lai-ngoi-lang-cao-nhat-viet-nam-667759/