Gần đây, nhiều lớp học online ở các trường đại học bị người lạ vào phá rối, vẽ bậy, chèn clip hoặc nhạc chế làm ảnh hưởng đến quá trình học khiến sinh viên bức xúc.
Thầy trò đều bị đuối vì kẻ lạ "quấy rối"
Buổi học online trên ứng dụng Zoom môn Kinh tế chính trị Mác - LêNin của 80 sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ tin học TPHCM ngày 9/10 vừa qua không suôn sẻ vì nhóm người lạ vào phá rối. Các sinh viên bức xúc cho biết, nhóm này vẽ bậy lên màn hình, chửi tục, chia sẻ video clip thậm chí chiếm quyền kiểm soát đẩy giảng viên ra khỏi lớp học.
Buổi học môn kinh tế chính trị Mác - Lênin của 80 sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ tin học TPHCM ngày 9/10 bị phá rối (ảnh: P.L)
Yến Vân, sinh viên học lớp này chia sẻ "hôm đó đáng lẽ nhóm mình thuyết trình mà bị nhóm người đó phát riết từ 12h45 đến gần 2h chiều nên thầy phải dạy nhanh để kết thúc buổi học sớm". Một sinh viên khác nói thêm, "mấy chục sinh viên và thầy bị ảnh hưởng, cả buổi không học được gì. Qua cách nói chuyện thì hình như nhóm này là học sinh THPT".
Một lớp học trực tuyến tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng bị người lạ quấy phá (ảnh: P.L)
Đầu tháng 10, trong một lớp học trực tuyến tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng bị người lạ quấy phá. Lúc giảng viên đang dạy, hàng loạt tài khoản của sinh viên hiện lên những đoạn nhạc ầm ĩ khiến lớp không thể tiếp tục dưới sự ngỡ ngàng của thầy giáo. Một lớp học khác, khi giảng viên nữ đang giảng bài, kẻ lạ cũng tham gia chèn clip của Huấn Hoa Hồng khiến lớp học không thể diễn ra.
Tương tự, một số lớp học trực tuyến tại trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM trên nền tảng Zoom cũng bị một nhóm người vào phá bằng cách bật tiếng Huấn Hoa Hồng, bà Phương Hằng đến Lộc Fuho làm ồn ào. Không dừng lại, nhóm này đổi tên các thành viên trong lớp, liên tục bấm biểu tượng giơ tay cho giảng viên gọi tên, làm nhiễu lớp học.
Theo tìm hiểu, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage hoặc nhóm mới lập để cùng mục đích phá rối các lớp học trực tuyến. Gõ từ khóa "phá zoom" là có thể thấy hàng loạt trang, nhóm này với số lượng người tham gia lên đến hàng nghìn thành viên, chẳng hạn nhóm "chia sẻ ID và pass zoom" có đến hơn 7.200 người tham gia, nhóm "Phá Zoom" cũng có tới 3.600 người tham gia. Chỉ cần biết được ID, mật khẩu của một lớp học nào đó thì các thành viên trong những nhóm này tham gia vào phá rối.
Tình trạng này diễn ra càng nhiều khiến nhiều sinh viên "than trời" việc học trực tuyến vốn không dễ cho người dạy lẫn người học, giờ bị "quấy rối" càng khó hơn.
Các nhóm "phá" lớp học trực tuyến với hàng nghìn thành viên (ảnh: P.L)
Trường đại học tăng cường bảo mật lớp học
Chia sẻ về tình trạng bị "quấy rối" trong lớp học online, ông Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, để người lạ vào phá lớp một phần do kỹ năng của giảng viên. Giảng viên là người quản trị lớp học cần có kỹ thuật để quản lớp, không thể để cho người tham gia có quá nhiều quyền, họ có thể chiếm quyền kiểm soát của người chủ trì.
Theo ông Thanh, các lớp học cần có mật khẩu và khâu xét duyệt vào lớp cần được kiểm soát kỹ như khóa quyền chia sẻ màn hình, bật micro, chỉ khi nào giảng viên cho phép sinh viên mới được phát biểu. "Quản trị tốt như thế sẽ hạn chế tình trạng phá lớp học cố ý hoặc vô tình. Qua một số vụ việc vừa rồi, chúng tôi sẽ lưu ý giảng viên các vấn đề này để hạn chế tình trạng lớp học bị người lạ vô phá", ông Thanh nói.
Ông Bùi Kim Hiếu, Trưởng khoa luật Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TPHCM cho biết, trường mua bản quyền một số ứng dụng như Zoom, Microsoft Teams để giảng viên lựa chọn khi dạy trực tuyến.
Theo ông Hiếu, bình thường một lớp học trực tuyến chỉ dài 2-3 tiết nếu kiểm soát từng người tham gia vô thì sẽ rất mất thời gian, không kịp giờ dạy. "Theo tôi, biện pháp ở đây là làm tốt công tác bảo mật và cài mật khẩu, một số trường hợp bị phá có thể người chủ trì lớp để lớp mở nên người bên ngoài vào tấn công dễ dàng", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu chia sẻ từ học kỳ này chỉ dạy thông qua ứng dụng Microsoft Teams, bởi vì để tham gia sinh viên phải đăng nhập bằng email của trường, nếu xuất hiện phá rối thì sẽ biết ngay ai làm. Zoom dù mua bản quyền tính bảo mật cao hơn bản dùng miễn phí nhưng người lạ vẫn dễ xâm nhập hơn.
Ths Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin- truyền thông của trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng cho biết, tại trường chưa xuất hiện tình trạng phá rối các lớp học trực tuyến. "Nhìn chung các ứng dụng hỗ trợ học online đều tương tự nhau tuy nhiên trường dạy bằng MS Team do Microsoft hỗ trợ. Trong quá trình vận hành từ lúc chuyển sang học trực tuyến đến nay đều suôn sẻ, một phần có lẽ sinh viên phải đăng nhập bằng email được trường cung cấp nên tính bảo mật sẽ cao hơn", bà Bích nhận định.
Theo Lê Phương/dantri.com.vn – 11/10/2021
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bao-dong-tinh-trang-lop-hoc-truc-tuyen-o-dai-hoc-bi-nguoi-la-pha-roi-20211011165836317.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Top3&dt_medium=3