Đến nay cả nước đã chữa khỏi gần 800.000 bệnh nhân COVID-19, trong số các ca đang điều trị chỉ còn 3.041 ca nặng; Việt Nam tạm thời công nhận 'hộ chiếu vaccine' của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 877.537 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 01/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.
+ Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21/10 là: 1.541 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 798.124
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.041 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.109
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 435
- Thở máy không xâm lấn: 95
- Thở máy xâm lấn: 381
- ECMO: 20
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 77 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.487 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 103.943 xét nghiệm cho 217.370 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.349.316 mẫu cho 58.560.149 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 68.809.880 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 49.352.317 liều, tiêm mũi 2 là 19.457.563 liều.
Việt Nam tạm thời công nhận 'hộ chiếu vaccine' của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ
Tại họp báo thường kỳ ngày 21/10 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về những chính sách, biện pháp của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cấp "thẻ xanh" cho người từ nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đến Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.
Theo đó, người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao cũng đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo hướng bổ sung hộ chiếu/giấy chứng nhận tiêm chủng vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ, ngành.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 243 triệu ca, trong đó trên 4,94 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 65.000 ca), Anh (52.009 ca) và Nga (36.339 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.257 ca), Nga (1.036 ca) và Ukraine (546 ca).
Trong các khu vực, tình hình dịch bệnh ở châu Âu có diễn biến nghiêm trọng nhất. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu trong tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng.
Tính theo từng quốc gia, Mỹ là nước có số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất (582.707 ca, giảm 11% so với tuần trước), kế đến là Anh (283.756 ca, tăng 14%), Nga (217.322 ca, tăng 15%), Thổ Nhĩ Kỳ (213.981 ca, tương đương tuần trước) và Ấn Độ (114.244 ca, giảm 18%).
Hậu Giang: không chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với việc đi lại của người dân
Ngày 21/10, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang có công văn về việc hướng dẫn tạm thời các biện pháp về chuyên môn y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh không chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp đến tỉnh từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (vùng phong tỏa) hoặc không xác định rõ khu vực phân cấp độ dịch; các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ như xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...;
Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người...) như: Lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper),...
Cùng với đó, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây mắc COVID-19 cao.
Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.
Tỉnh Hậu Giang cũng thực hiện biện pháp cách ly y tế, theo dõi sức khỏe các trưởng hợp F1, F2, người đến từ địa bàn có dịch hoặc khu vực xác định đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế.
Theo Thái Bình/suckhoedoisong.vn – 22/10/2021
https://suckhoedoisong.vn/sang-22-10-con-3000-ca-covid-19-nang-dang-dieu-tri-viet-nam-tam-thoi-cong-nhan-ho-chieu-vaccine-cua-72-quoc-gia-vung-lanh-tho-169211022073346048.htm