Cập nhật: 23/10/2021 07:22:00
Xem cỡ chữ

Bến tàu Không số Vũng Rô (Phú Yên) là địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong vòng gần hai tháng cuối năm 1964 đầu năm 1965, những cán bộ, thủy thủ của Ðoàn tàu không số cùng quân và dân Phú Yên đã bốn lần tổ chức đưa tàu cập bến, kịp chi viện hơn 200 tấn vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trung tá cựu chiến binh Hồ Ðắc Thạnh, Anh hùng LLVTND, nguyên thuyền trưởng Tàu 41 và bà Nguyễn Thị Tản với đại diện tuổi trẻ đơn vị, địa phương.

Đại tá cựu chiến binh Ðặng Phi Thưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, dù bước sang tuổi 75 và gần 10 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng khi kể chuyện từng tham gia bảo vệ bến tàu Không số Vũng Rô, ông như sống lại thời trai trẻ. Ông Thưởng kể, đầu những năm 1960 - 1961, phong trào đấu tranh vũ trang ở Khu 5 phát triển mạnh mẽ. Trong đó, chiến trường các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ðắk Lắk nhiều đơn vị vũ trang được thành lập, cần vũ khí để chiến đấu.

Tháng 7/1964, nhận lệnh của cấp trên, Ban Thường vụ Liên tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam tổ chức hội nghị liên tịch bàn việc tìm địa điểm và phương án tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền bắc, đã thống nhất chọn Vũng Rô làm bến tàu. Ban Chỉ huy bến Vũng Rô lúc này do đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ Liên tỉnh ủy 3 phụ trách chung.

Thời điểm này địch phong tỏa, ra lệnh cấm tất cả mọi phương tiện ra vào vịnh Vũng Rô. Ngay trên đỉnh đèo Cả là bốt Pơ-tí với một trung đội canh giữ, phía biển địch có các thuyền của Duyên đoàn 23 tuần tra và còn có Hạm đội 7 của Mỹ chốt đóng.

“Ta mở bến Vũng Rô ngay trong lòng địch là một thách thức. Nhưng sự chủ quan, cho rằng khu vực này là vùng cấm, vùng được kiểm soát cho nên địch sơ hở, mất cảnh giác. Lợi dụng thời khắc ban đêm đưa tàu chở vũ khí vào bến an toàn... Ðó cũng là yếu tố làm nên thành công của những chuyến tàu không số vào Vũng Rô”, đại tá cựu chiến binh Ðặng Phi Thưởng khẳng định.

Từng cùng đồng đội ba lần đưa tàu vào cập bến Vũng Rô, trung tá cựu chiến binh Hồ Ðắc Thạnh, Anh hùng LLVTND, bồi hồi nhớ lại: Nhận lệnh cấp trên giao, đêm 22/11/1964, Tàu 41 do ông làm thuyền trưởng cùng 19 cán bộ, thủy thủ chở 63 tấn vũ khí xuất phát từ Hạ Long (Quảng Ninh). Trong hành trình vượt qua giông tố, khi đi ngang qua vùng biển Ðà Nẵng, máy bay trinh sát của giặc Mỹ phát hiện, nghi ngờ, báo vào bờ và lập tức hai tàu tuần tiễu của địch lao ra kèm song song và chĩa thẳng nòng pháo về phía Tàu 41. Nhờ ngụy trang tốt, lúc đó Tàu 41 mang biển hiệu 412 treo cờ nước ngoài, cho nên tàu địch bỏ mục tiêu chạy vào bờ. Ðúng như kế hoạch, 23 giờ 50 phút ngày 28/11/1964, Tàu 41 cập bến Vũng Rô. Phút gặp gỡ giữa cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng của ta có mặt tại bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui sướng.

“Tham gia 12 chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho miền nam đánh giặc, nhưng có ba lần chuyển vũ khí về quê hương là tôi hạnh phúc nhất. Trong đó, chuyến đầu tiên trong đêm bốc dỡ hàng, người chiến sĩ bảo vệ bến nói với tôi mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung cứ day dứt trong lòng và theo tôi suốt trên đường ra bắc… Thế nên, khi họp để chuẩn bị chuyến thứ hai vào Phú Yên, tôi đã đề xuất và được Tư lệnh Hải quân đồng ý tặng ba tấn gạo cho lực lượng của ta ở bến Vũng Rô”,  trung tá cựu chiến binh Hồ Ðắc Thạnh tâm sự. 

Do vậy, trong chuyến thứ hai Tàu 41 cập bến Vũng Rô vào tối 25/12/1964, ngoài vũ khí cùng bốn cán bộ chi viện, tàu còn mang theo ba tấn gạo tám thơm tặng đơn vị ở bến Vũng Rô đang thiếu lương thực. Không thể kể hết tình cảm, niềm vui của quân, dân đơn vị bến Vũng Rô khi đón nhận món quà này.

Tại bến Vũng Rô còn có câu chuyện về nắm đất làm quà đến bây giờ đã trở thành biểu tượng đẹp của sự gắn kết quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trung tá cựu chiến binh Hồ Ðắc Thạnh kể, chuyến thứ ba Tàu 41 chuyển vũ khí vào bến Vũng Rô đúng đêm giao thừa, được phép của cấp trên, cán bộ, thủy thủ tàu ở lại cùng lực lượng của ta ở bến đón Tết cổ truyền Ất Tỵ (ngày 1/2/1965) ngay trên tàu.

 “Khi tàu đã vào Vũng Rô và thả neo, pháo địch bất ngờ bắn sáng trắng trời trên đèo Cả, cảm giác đầu tiên tôi nghĩ tới việc bị lộ, cho nên ra lệnh toàn tàu chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Nhưng ngay lúc đó, dưới buồng báo vụ, từ radio vang lên tiếng thơ chúc Tết của Bác Hồ, lúc ấy ai cũng lâng lâng hạnh phúc và biết rằng địch chỉ bắn pháo sáng đón giao thừa”, trung tá cựu chiến binh Hồ Ðắc Thạnh nhớ lại.

Trong chuyến đi này, sau khi hoàn thành việc bốc dỡ hàng, lúc tàu chuẩn bị nhổ neo rời bến, có một cô dân công đã đến trao cho ông gói quà được gói cẩn thận trong chiếc khăn tay. Ông Thạnh nhớ như in câu nói của cô dân công khi trao món quà này: “Bà con Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên trung, bất khuất, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ. Nay có vũ khí của miền bắc chi viện, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công”.

Nắm đất ấy được thuyền trưởng Hồ Ðắc Thạnh cất kỹ và luôn mang bên mình như báu vật. Sau này, nắm đất Vũng Rô được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt Nam. Hình tượng cô dân công miền nam Nguyễn Thị Tản trao nắm đất tặng thuyền trưởng Tàu 41 được tạc thành tượng đồng như một biểu tượng đẹp về nghĩa tình ruột thịt bắc - nam.

Bà Nguyễn Thị Tản năm nay đã 75 tuổi, cùng Anh hùng, trung tá cựu chiến binh Hồ Ðắc Thạnh thăm lại bến Vũng Rô, bồi hồi kể lại: Năm 1964, bà mới 16 tuổi, cùng các đoàn viên, thanh niên trong xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (Phú Yên) được chọn vào đội dân công làm nhiệm vụ tại bến. Lúc đó, chú Sáu Suyền và mấy chú nữa gợi ý cho chị em chúng tôi có quà gì tặng cho cán bộ, thủy thủ Tàu 41. Tôi suy nghĩ, bến Vũng Rô chẳng có món quà gì đáng giá để tặng cán bộ, thủy thủ tàu không số. Mà chỉ nghĩ con người sống nhờ đất mà chết cũng gắn bó với đất; bao nhiêu đồng chí, đồng đội chiến đấu, hy sinh cũng để bảo vệ tấc đất quê hương, cho nên bằng mọi giá phải giữ lấy mảnh đất này. Vì thế, tôi chọn trao nắm đất Vũng Rô cho tàu ra miền bắc là muốn thể hiện quyết tâm của nhân dân Phú Yên chiến đấu đến cùng giữ lấy mảnh đất quê hương...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Tàu 41 (hiện mang số hiệu HQ 671) hai lần được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND; tàu đã được Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Bến tàu Không số Vũng Rô được Ðảng, Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997. Tỉnh Phú Yên chọn ngày 28/11/1964 (là ngày đón chuyến tàu không số đầu tiên cập bến) làm Ngày truyền thống bến tàu Không số Vũng Rô.

Theo Bài và ảnh: TRÌNH KẾ/nhandan.vn - Ngày 23/10/2021

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nhung-nguoi-lam-nen-huyen-thoai-ben-tau-khong-so-vung-ro-670705/