Cập nhật: 26/10/2021 09:33:00
Xem cỡ chữ

Xác định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đây được coi là “cú hích”, thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị dành cho khu vực kinh tế tư nhân này. Qua 7 năm triển khai, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phát triển lớn mạnh, khai thác ngày càng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ tỉnh. Được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi ổn định từ Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, doanh nghiệp đã có điều kiện mở rộng mô hình kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, đóng góp vào sự phát triển giáo dục của tỉnh. Đặc biệt, để đồng hành giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã được hưởng chính sách hỗ trợ như: giảm lãi tiền vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ… giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động.

Nghị quyết 04 đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, có giải pháp là cả hệ thống chính trị phải tập trung vào cuộc, tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển; Các giải pháp hỗ trợ về vốn, nguồn nhân lực, tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, cơ hội kinh doanh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tốt nhất để tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Nhờ đó trong giai đoạn từ 2013 đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên mạnh mẽ với gần 7.300 doanh nghiệp, tăng gấp 1,49 lần so với tổng lũy kế doanh nghiệp đăng ký thời điểm 31/12/2012. Tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là trên 48.700 tỷ đồng, chiếm 20,8% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển đã góp phần tạo việc làm mới cho khoảng gần 72.900 lao động. Cơ cấu ngành nghề có sự chuyển dịch theo hướng tăng lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm trong lĩnh vực xây dựng.

Cùng với việc triển khai có hiệu quả Nghị định số 80 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tập trung tìm kiếm giải pháp tháo gỡ nút thắt về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn lực cho các DNNVV; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số./.

Phương Liên