Để củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của học sinh, từ đó điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tính đến nay, học sinh tại nhiều địa phương trên cả nước đã trải qua 2 tháng học trực tuyến, việc kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 ra sao trong điều kiện dịch bệnh, học online dài ngày là vấn đề được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm bởi việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường chỉ được thực hiện sau thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Ảnh minh họa.
“Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp để có thể có chất lượng đào tạo tốt nhất. Đối với các trường cho học sinh đi học bình thường, cần tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình hỗ trợ dạy học trực tiếp. Đối với các trường chia nhóm cho học sinh đến trường học tập thì tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp với các nội dung phù hợp để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình”, ông Thành cho biết.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay, thời gian qua, việc học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những hạn chế nhất định, việc học trực tuyến của học sinh mỗi vùng, miền có sự khác nhau nên kết quả học tập của các em cũng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc phải chuyển nơi cư trú nên chưa đáp ứng được yêu cầu học tập.
Để củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của học sinh, từ đó điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý học sinh mới trở lại học trực tiếp, các trường phải tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em.
“Quan điểm của Bộ GD-ĐT là phải sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi, phù hợp với điều kiện của nhà trường và học sinh, tránh quá tải đối với các em”, ông Thành cho biết.
Hiện nay, để thích ứng với điều kiện bình thường mới, một số địa phương đã có kế hoạch cho học sinh trở lại trường. Trao đổi về vấn đề tổ chức học trực tiếp, ông Nguyễn Xuân Thành, cho biết, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp là vấn đề mà Bộ GD-ĐT rất quan tâm. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường chuẩn bị sẵn sàng trước khi đón học sinh trở lại trường học như xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường, phù hợp với điều kiện thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an tòan thực phẩm, y tế trường học…
Học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường. Thực hiện vệ sinh khử trùng trường lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học, bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế bảo đảm theo quy định, tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường...
Đến nay, nhiều địa phương đã ban hành hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường với những quy định rất chi tiết./.
Theo N.T/VOV.VN - Ngày 2/11/2021
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-truc-tuyen-dai-ngay-hoc-sinh-kiem-tra-danh-gia-dinh-ky-the-nao-902056.vov