Bệnh nhân bị ung thư hạ họng giai đoạn cuối, di căn thực quản đã được các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện ca mổ 2 trong 1 vừa điều trị lấy triệt để khối u, vừa tái tạo đường ăn cho bệnh nhân bằng phương pháp ghép ruột. Đây là kỹ thuật khó và tiên tiến trong phẫu thuật ung thư miệng thực quản và 1/3 trên thực quản.
Bệnh nhân khỏe mạnh sau mổ, có thể ăn uống qua đường xông.
Thấy có dấu hiệu sút cân nhanh, khản tiếng và ho kèm đau nhiều suốt 2 tháng, ông Nguyễn Công H., 71 tuổi quê tại Bắc Ninh đã đến khám tại Bệnh viện K. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán có u lớn vùng xoang lê phải, lan xuống vùng miệng thực quản, kết quả giải phẫu bệnh ung thư tế bào vẩy(SCC), giai đoạn 4 , T3N1M0.
Vì khối u ngày càng phát triển, nếu không đưa ra quyết định sớm để điều trị thì sẽ khiến chất lượng sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sức khỏe chắc chắn sẽ diễn biến xấu hơn.
Cuối tháng 10/2021, sau nhiều buổi hội chẩn liên khoa, toàn bệnh viện về ca bệnh này, các bác sĩ quyết định giải thích, trao đổi với gia đình để thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân H.
TS, BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 chia sẻ, bệnh nhân tuổi cao, ung thư miệng thực quản và 1/3 trên thực quản, đã tiến tiển lan rộng. Đây là ca phẫu thuật khó, nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra như mất máu trong mổ, khó khăn trong nạo vét hạch và còn một vấn đề cực kỳ quan trọng cần thực hiện đó là tái tạo đường ăn cho bệnh nhân.
Vì vậy, ngay từ thời điểm hội chẩn, 2 ê-kíp đã thống nhất phương án, kỹ thuật trong mổ làm sao để can thiệp lấy hoàn toàn khối u để bảo đảm về mặt ung thư học; vừa cải thiện được đường ăn cho bệnh nhân về lâu về dài.
2 ê-kíp gồm chuyên khoa tiêu hóa do TS, BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K – Trưởng ekip; chuyên khoa Tai mũi họng do ThS, BSCKII Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng khoa Ngoại tai mũi họng, Trưởng ê-kíp đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng cho bệnh nhân.
“Ca phẫu thuật được thực hiện gồm 2 bước, đầu tiên là tiến hành cắt thanh quản hạ họng toàn phần, 3cm trên của thực quản PLOT, nạo vét hạch cho bệnh nhân. Chúng tôi cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng thao tác để không có bất kỳ một sơ xuất nào, cầm máu tối đa trên nền bệnh nhân cao tuổi”. ThS, BSCKII Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng khoa Ngoại tai mũi họng cho biết.
Sau khi ê-kíp tai mũi họng đã thực hiện xong bước 1, ê-kíp chuyên khoa tiêu hóa cũng ngay lập tức tiến hành dùng đoạn hỗng tràng nối họng và thực quản để tái tạo đường ăn cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật khó và tiên tiến trong phẫu thuật ung thư miệng thực quản và 1/3 trên thực quản.
Sự kết hợp với 2 chuyên khoa Tiêu hóa - Tai mũi họng đã bảo đảm thực hiện thành công, nạo vét hạch cổ và tái tạo bằng vạt hỗng tràng. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn như tỷ lệ liền của vạt cao, hậu phẫu nhẹ nhàng hơn, tốt hơn rất nhiều so với phẫu thuật ống dạ dày.
Hiện tại sau 10 ngày, cụ H. hoàn toàn tỉnh táo, đi lại bình thường miệng nối liền tốt, ăn uống qua đường xông trở lại với sự hướng dẫn kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa và Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K.
Theo LUÂN NGUYỄN/nhandan.vn – 5/11/2021
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/ghep-ruot-tai-tao-duong-an-cho-benh-nhan-ung-thu-ha-hong-giai-doan-cuoi-672638/