Kiên trì bám biển, bám dân, chủ động khắc phục những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 32 – Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đóng chân tại Khánh Hòa đã trở thành điểm tựa vững chắc, “sát cánh” cùng ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và đảm bảo thực thi pháp luật trên biển.
Đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển
Chiến sĩ Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (mặc đồ bảo hộ an toàn), tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho các ngư dân trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Ảnh: TTXVN phát
Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh) bao gồm cả vùng biển Quần đảo Trường Sa, thềm lục địa Nam Bộ.
Với đặc điểm quản lý vùng biển rộng, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 32 luôn kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng. Năm 2019, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Hải đoàn 32 đã xử phạt 11 tàu cá vi phạm hành chính với 37 triệu đồng; trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đơn vị đã xử phạt hành chính trên 61 triệu đồng, tịch thu trên 11.700 lít dầu D.O, bán phát mại tang vật, phương tiện tịch thu do vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước trên 159 triệu đồng.
Năm 2020, số vụ vi phạm trên biển giảm hẳn, chỉ còn 1 vụ vận chuyển dầu D.O không có chứng từ, Hải đoàn 32 đã xử phạt và nộp Kho bạc trên 69 triệu đồng, bán phát mãi số hàng hóa thu giữ và nộp vào ngân sách trên 252 triệu đồng. Cùng với đó, số phương tiện vi phạm hành chính trên biển giảm còn 10 tàu, đơn vị ra quyết định xử phạt trên 33 triệu đồng. Năm 2021, Hải đoàn 32 tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống tội phạm trên vùng biển được phân công, chú trọng vào công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Với vai trò thực thi chấp pháp trên biển, theo báo cáo của Hải đoàn 32, từ khi thành lập năm 2018 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền để 30 phương tiện ra khỏi vùng biển Việt Nam đúng quy định của pháp luật.
Là địa phương có Hải đoàn 32 đóng chân, ông Trần Hải, Chủ tịch UBND phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa cho biết, các chương trình đồng hành cùng ngư dân của Hải đoàn 32 rất thiết thực, bà con được tuyên truyền về các kiến thức pháp luật khi hoạt động đánh bắt trên biển. Cảnh sát biển cùng các lực lượng khác hoạt động trên biển thực sự là những điểm tựa vững chắc, giúp người dân an tâm bám biển.
Phong phú hình thức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Các chiến sĩ Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho các ngư dân hoạt động trên biển trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Ảnh: TTXVN phát
Từ khi ra mắt đến nay (năm 2018), Hải đoàn 32 đã kịp thời có mặt trên biển, tham gia hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn 2 tàu cá với 19 thuyền viên, hỗ trợ cứu nạn tàu nước ngoài APL Vancouver trên vùng biển Ninh Thuận. Tại Khánh Hòa trong cơn bão 12 năm 2017, Hải đoàn 32 đã kịp thời đưa 52 ngư dân mắc kẹt ở khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ an toàn. Đặc biệt, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đơn vị còn triển khai lồng ghép tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trên biển, các tàu cảnh sát biển khi hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đã tổ chức hơn 20 lượt tổ tuyên truyền lưu động đến từng phương tiện với hơn 500 lượt ngư dân, người dân đang hoạt động đánh bắt và phục vụ hậu cần trên biển.
Trung tá Bùi Vĩnh Trân, Chính ủy Hải đoàn Cảnh sát biển 32 cho biết, đơn vị thường xuyên quan tâm, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền Luật Cảnh sát biển để nhiều đối tượng khác nhau có thể tiếp nhận hiệu quả. Những năm qua, đơn vị đã tổ chức 10 hội nghị với khoảng 3.000 lượt người tham gia để phổ biến các chủ trương, chính sách, đường lối quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, pháp luật nước Việt Nam và hàng trăm lượt tuyên truyền cho ngư dân trực tiếp trên biển… Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã giúp cán bộ, chiến sĩ và ngư dân nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam. Từ đây, người dân chấp hành pháp luật, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng chống vi phạm, tội phạm trên biển.
Đặc biệt với mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, đơn vị đã triển khai tích cực, sâu rộng đến các địa phương với nhiều việc làm có ý nghĩa, tác động tích cực đến nhận thức và đời sống của nhân dân như chương trình dọn dẹp rác thải trên biển, tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng nhu yếu phẩm cho ngư dân hành nghề trên biển. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải đoàn vẫn cố gắng điều chỉnh các chương trình phù hợp, tuyên truyền các chương trình pháp luật, Luật Cảnh sát biển đến ngư dân và hỗ trợ các đối tượng như mọi năm.
“Có thể khẳng định mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là điểm sáng nổi bật về công tác dân vận trong tình hình mới, trong đó Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng được đưa vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả. Thời gian tới, Hải đoàn 32 tiếp tục nhân rộng chương trình, làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Trung tá Bùi Vĩnh Trân, Chính ủy Hải đoàn Cảnh sát biển 32 nhấn mạnh.
Theo Phan Sáu (TTXVN) - 9/11/2021
https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/canh-sat-bien-sat-canh-cung-ngu-dan-khanh-hoa-20211109083841400.htm