Thời gian qua Ngân hành Chính sách xã hội Vĩnh Phúc đã tập trung giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân. Qua đó, phát huy vai trò tín dụng chính sách trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH tại địa phương.
Tính đến tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách, tăng 5 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt hơn 3.100 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2014-2021 đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%. Cùng với nguồn ngân sách từ Trung ương, giai đoạn 2014-2021, ngân sách tỉnh đã dành thêm gần 400 tỷ đồng bổ sung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Có hơn 200.000 hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, trong đó, 30.000 hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,6% năm 2014 xuống còn 0,98% vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Không chỉ kịp thời chuyển vốn vay tới các đối tượng chính sách, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 2 năm qua, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham gia hỗ trợ, giúp hàng nghìn khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh bằng những chính sách cụ thể, thiết thực như: Gia hạn nợ, cho vay vốn ưu đãi đối với người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch./.
Lưu Trường