Ngày mai (24/11), Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ, văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của con người.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nêu rõ, một trong những định hướng phát triển của Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 là “thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Vĩnh Phúc đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặt con người vào trung tâm của sự phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển kinh tế.
Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra và sẽ được bàn thảo sâu hơn trong Hội nghị văn hóa toàn quốc dự kiến tổ chức vào ngày 24/11. Ðại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua nhấn mạnh: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".
Kể từ nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cách đây hơn 20 năm, đã có một số công trình nghiên cứu lớn về giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những phương án, chưa đi đến thống nhất. Đại hội XIII đặt ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị Việt Nam như một nhiệm vụ cấp bách sau 35 năm đổi mới. Theo các nhà nghiên cứu, những giá trị truyền thống của người Việt cần được phát huy như: yêu nước, yêu hòa bình, ý chí độc lập tự cường, đoàn kết, nhân ái và trong thời kỳ mới cần bổ sung những phẩm chất như: sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương. Cả trăm triệu người sẽ làm sức mạnh văn hóa dân tộc vĩ đại, vì sự phát triển bền vững đất nước.
Suốt 2 năm qua, trong cuộc chiến chống Covid-19, cả đất nước cùng đồng lòng chống dịch. Hơn bao giờ hết, sức mạnh nội sinh của dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ. Mọi giai tầng trong xã hội, từ những người ở tuyến đầu đến những người dân: già, trẻ, gái, trai đều mang trong mình tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân. Những giá trị, tinh thần tốt đẹp sẽ thôi thúc mỗi người Việt cống hiến hết mình trong lao động và sáng tạo, vì một Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc./.
Hải Thành