Cập nhật: 28/11/2021 09:18:00
Xem cỡ chữ

Ngoài dân tộc Kinh, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng.

Bên cạnh việc khuyến khích lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, thực hiện tốt phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người uy tín, những năm gần đây nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được xóa bỏ. Từ đó, góp phần tạo nếp sống phù hợp với cuộc sống gia đình hiện đại mà vẫn lưu truyền được giá trị truyền thống của mỗi dân tộc.

Từng có một thời, khi bước vào nhà chồng, những cô dâu người dân tộc Sán Dìu phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, phép tắc như: không được ngồi cùng mâm, uống chung ấm với bố chồng; tảo tần với công việc gia đình từ tờ mờ sáng. Người phụ nữ chịu thiệt thòi từ quan niệm “trọng nam khinh nữ”… Những tập quán đó tồn tại nhiều năm đã làm mất đi vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Ngoài công việc vất vả trên nương, dưới ruộng, họ còn phải cáng đáng hết những công việc nội trợ trong gia đình như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, chăn nuôi lợn, gà... Quanh năm vất vả lo cho gia đình, nên dường như phụ nữ người Sán Dìu, ai cũng già trước tuổi. Dẫu vất vả lo toan là thế nhưng họ không được quyết định bất cứ việc gì trong gia đình. Nhận thấy rõ những quan niệm, hủ tục càng ngày càng trói buộc người phụ nữ dân tộc thiểu số, các địa phương, đoàn thể xác định “chìa khóa” để mở “cánh cửa” đó là việc nâng cao nhận thức cho người dân, mà trước hết là từ những người phụ nữ. Các đoàn thể xã bắt đầu vào cuộc, từ việc thành lập tổ tuyên truyền, tổ hòa giải đến Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình... Thông qua các buổi tuyên truyền đến tận thôn, xóm… lồng ghép tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, sự thay đổi của chính gia đình các cán bộ phụ nữ, đặc biệt là người uy tín trong thôn, bản đã trở thành luồng gió mới xóa bỏ tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ sự thay đổi trong nhận thức, tư duy, bước qua được định kiến và những hủ tục lạc hậu, đàn ông người đồng bào dân tộc thiểu số nay đã biết phụ giúp việc nhà, việc đồng áng cho gia đình, người phụ nữ được tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Cùng với cách làm quyết liệt, kiên trì bền bỉ, các địa phương là dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã dần xóa bỏ được quan niệm, tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ, tạo nên luồng gió mới làm đổi thay cuộc sống những người phụ nữ ở đây. Điều đó cũng góp phần khẳng định sự bình đẳng sẽ là nền tảng cho một cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Hồng Nụ